pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên bị xem nhẹ: Bài 1- Cảnh báo từ những lá thư
Ảnh minh họa
Theo các nhà tâm lý, tự sát ở lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt ở tuổi dậy thì, từ 12 đến 15 tuổi có nguyên nhân từ bên trong đứa trẻ khi những thay đổi về tâm sinh lý khiến trẻ có những khoảng cô đơn, hoang mang, chông chênh, dễ bị tác động, bị tổn thương bởi những tác động bên ngoài. Trong khi đó, trẻ thiếu sự quan tâm cần thiết và đúng cách từ người lớn. Áp lực học hành và kỳ vọng quá lớn của bố mẹ dẫn tới những "kỷ luật thép" hoặc sự buông lỏng, không có kết nối tình cảm từ gia đình là những yếu tố đẩy trẻ đến suy nghĩ, hành động tiêu cực bột phát.
Trong nhiều trường hợp, những tổn thương tâm lý gây cho trẻ trạng thái trầm cảm kéo dài nhưng bố mẹ không biết hoặc xem nhẹ cho đến khi hậu quả nặng nề xảy ra.
Trong một tọa đàm do Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội tổ chức đầu tháng 4/2022, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, đã kể câu chuyện của một người mẹ từng tá hỏa với tiết lộ của con: "Con cũng từng muốn nhảy từ trên cao xuống như thế nhưng con sợ đau nên chưa dám". Người con thổ lộ chuyện này ngay sau sự việc đau lòng của nam học sinh trường chuyên gây rúng động Hà Nội. Người mẹ này quá sợ hãi nên sau đó đã kè kè giám sát con, khi con vào trường thì ngồi chờ ngoài cổng.
Nhiều trẻ trước khi có ý định hoặc tự tử, thường viết thư, nhật ký để lại. Trong những lá thư ấy, trẻ đều thể hiện sự thất vọng về bản thân, về hành xử của cha mẹ, về một áp lực vô hình đè nặng. Những lá thư không chỉ gây nên nỗi đau đớn của nhiều bậc cha mẹ mà nó thực sự là những lời cảnh báo cho nhiều người về tình trạng tổn thương tinh thần mà trẻ đang phải chịu đựng.
Ảnh minh họa
Nghiêm khắc hay buông lỏng quá mức đều đáng lo
Trên 3 triệu trẻ em đã và đang cần chăm sóc sức khoẻ tinh thần-đây là con số khảo sát được bà Nguyễn Thị Thanh An, chuyên gia về các chính sách xã hội và quản trị của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), chia sẻ. Theo bà An, nhóm trẻ vị thành niên (theo phân loại độ tuổi của UNICEF là 10-19 tuổi) có nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần. Hành vi tự sát là một nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tử vong cao ở lứa tuổi này. Còn theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tự tử đứng thứ 4 trong số những nguyên nhân dẫn tới tử vong ở trẻ em.
Các chuyên gia cho rằng "áp lực học tập và ứng xử ở hai thái cực: kỷ luật khắc nghiệt hoặc buông lỏng quá mức của gia đình là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng tổn thương tâm lý trẻ em". Những phân tích cũng đặt ra nguyên nhân từ yếu tố khách quan như không kiểm soát thông tin tiêu cực, tình trạng quấy rối, bắt nạt, phát tán thông tin cá nhân trẻ em qua mạng Internet; trẻ phải cách ly quá lâu ở nhà do dịch Covid-19; không được tham gia các hoạt động thể thao, giải trí, hoạt động giáo dục lành mạnh… cũng khiến trẻ bị tổn thương tâm lý và dễ có hành vi dại dột.
Sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên là vấn đề không thể xem nhẹ nhưng nó chưa được quan tâm đúng mức bởi những mục tiêu khác mà các nhà trường và cha mẹ đã đặt ra, đó là thành tích học tập, là những giải thưởng, kết quả đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, vào đại học…
11 triệu chứng thường gặp của bệnh trầm cảm ở trẻ
- Tâm trạng cáu kỉnh hoặc thất thường (gắt gỏng, thù địch, dễ nổi cáu bộc phát…).
- Giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây (ví dụ: bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ...).
- Không muốn ra ngoài, rút lui khỏi xã hội, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè.
- Tránh né việc đi học.
- Suy giảm kết quả học tập, than phiền không tập trung, hay quên.
- Thay đổi giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
- Thường xuyên có các phàn nàn không giải thích được như cảm giác mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày…
- Xuất hiện các vấn đề về hành vi (ví dụ: trở nên cố chấp hơn, trốn khỏi nhà, bắt nạt người khác).
- Có các suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng hoặc hành vi tự tử.
- Cảm giác vô dụng (cảm thấy bị từ chối và không được yêu thương), thấy tội lỗi quá mức hoặc không thích hợp.
- Lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích khác.
Nguyễn Hạnh (Theo Mayoclinic)