pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giáo dục
Những điều cha mẹ nên làm để ngăn chặn tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên
Nhiều thanh thiếu niên cố gắng tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát. Do các trẻ gặp khó khăn trong việc đối phó với các tác nhân gây căng thẳng ở độ tuổi này, chẳng hạn như đối mặt với sự từ chối, thất bại, chia tay, khó khăn ở trường học và bất ổn trong gia đình.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở các trẻ từ 15 đến 19 tuổi trên thế giới.
Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố trung bình mỗi ngày, có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới. Còn tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại khi tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng mà nhiều phụ huynh chưa biết cách nhận diện cũng như có các biện pháp phòng ngừa.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, tỷ lệ này dao động từ 5% đến 8%.
Nhiều nguyên nhân khiến trẻ hành động tiêu cực
Có nhiều lý do có thể dẫn đến hành vi tự sát ở lứa tuổi này. Đây là thời điểm tâm lý thay đổi nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài đến cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống không được chia sẻ với gia đình, bạn bè và xã hội có thể khiến trẻ không tìm ra giải pháp.
Có nhiều lý do có thể dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ tuổi vị thành niên- Ảnh minh họa
Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là cách tốt nhất giúp thoát khỏi bế tắc trong cuộc sống. Ngoài ra, áp lực trong học tập, thi cử và gia đình cũng có thể khiến con bạn có những suy nghĩ tiêu cực sau những thất bại đó.
Người trầm cảm có biểu hiện gì?
Các biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên rất đa dạng và không điển hình. Các triệu chứng phổ biến thường gặp là:
• Tâm trạng cáu kỉnh hoặc thất thường (gắt gỏng, thù địch, dễ nổi cáu bộc phát…).
• Giảm hoặc mất hứng thú kéo dài với các hoạt động giải trí được yêu thích trước đây (ví dụ: bỏ các hoạt động thể thao, âm nhạc, vẽ,..).
• Không muốn đi ra ngoài, rút lui khỏi xã hội, không tham gia các hoạt động trên lớp hoặc không còn muốn đi chơi với bạn bè.
• Tránh né việc đi học.
• Kết quả học tập giảm sút, không tập trung, hay quên.
• Thay đổi giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
• Thường xuyên có các phàn nàn không giải thích được như cảm giác mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày,…
• Xuất hiện các vấn đề về hành vi (ví dụ: trở nên cố chấp hơn, trốn khỏi nhà, bắt nạt người khác).
• Có các suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng hoặc hành vi tự tử.
• Cảm giác vô dụng (tức là cảm thấy bị từ chối và không được yêu thương) hoặc tội lỗi quá mức hoặc không thích hợp.
• Lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích khác.
Cha mẹ nên làm gì để ngăn chặn tình trạng tự tử của trẻ vị thành niên?
Tuổi mới lớn là khoảng thời gian có nhiều thay đổi về thể chất và tâm lý. Vì vậy, khi trao đổi với trẻ vị thành niên, cha mẹ cần tôn trọng, lắng nghe hơn là phán xét và đặc biệt tôn trọng quyền riêng tư của trẻ.
Đừng đặt điểm học tập hoặc kỳ vọng cao, vì điều này có thể gây áp lực cho con bạn. Dành thời gian học tập và vui chơi hợp lý cho trẻ.
Cha mẹ và con cái cần có sự gắn bó để trẻ có thể trò chuyện, chia sẻ khi gặp khó khăn trong học tập và hòa nhập xã hội.
Dạy trẻ kỹ năng sống để trẻ có thể đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.
Theo dõi và nói về việc sử dụng mạng xã hội. Theo dõi các tài khoản mạng xã hội của trẻ. Nếu con bạn bị tổn thương hoặc khó chịu bởi các bài đăng hoặc tin nhắn trên mạng xã hội, hãy khuyến khích con nói chuyện với mình hoặc một giáo viên đáng tin cậy. Cảm giác được kết nối và hỗ trợ ở trường có tác dụng bảo vệ mạnh mẽ.
Khuyến khích lối sống lành mạnh. Giúp trẻ ăn ngon, tập thể dục và ngủ đủ giấc.
Đồng thời, biết được nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cha mẹ tìm ra giải pháp và ngăn ngừa những tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, nếu cha mẹ lo lắng cho con, hãy tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.