pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dấu hiệu nhận biết trẻ sẽ tự sát
Trầm cảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tự sát ở mọi lứa tuổi
Thời gian qua, tại các địa phương đã xảy ra một số trường hợp trẻ tự sát vì nhiều lý do khiến dư luận hết sức quan tâm. Theo các chuyên gia, tự sát là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở giới trẻ. Tại Mỹ, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở lứa tuổi 10-19 tuổi. Ở Việt Nam, tự sát là 1/10 nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi. Theo nghiên cứu năm 2012 tại Hà Nội, tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát lứa tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, nhóm tuổi 15-19 ghi nhận tỷ lệ có yếu tố tiền sử và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Trẻ em và thanh thiếu niên (Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai) cho biết, lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi từ trẻ em sang giai đoạn trưởng thành được đánh dấu bằng mốc dậy thì. Cùng với đó là sự phát triển về tư duy, nhận thức, trưởng thành về nhân cách, đồng thời đối mặt các yếu tố stress, phương thức đối phó stress nhiều nhất.
Bác sĩ Yến cũng cho biết, trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở mọi lứa tuổi. Trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy buồn chán, đau khổ, không có động lực và hứng thú trong cuộc sống. Trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như sự giảm sút học hành, giảm quan tâm về ngoại hình, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội hoặc các hành vi mang tính chống đối như bỏ học, sử dụng chất kích thích.
Tuy nhiên, qua thực tế điều trị bác sĩ Yến cho biết khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, về chán sống thì nhiều bậc cha mẹ lại gạt đi và cho rằng không nên nghĩ đến những điều tiêu cực. Đây là tín hiệu kêu cứu mà các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm. Bởi lẽ, khi trẻ bày tỏ cảm xúc đó là lúc con rất cần sự đồng cảm, sự chia sẻ, sự lắng nghe. Các bậc cha mẹ, người thân khi bắt được tín hiệu này nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra những bất an, sự đau khổ, tuyệt vọng của mình.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần), một trường hợp tự sát sẽ ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Do đó, phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Tuấn, những biểu hiện của trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý bao gồm giảm các mối quan hệ tương tác với bạn bè, gia đình; giảm tham gia các hoạt động xã hội; giảm sút học tập, không quan tâm đến vẻ ngoài, dễ cáu gắt, giận giữ. "90% các trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần đều có bộc lộ ít nhất một biểu hiện ra ngoài. Các cha mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm chia sẻ cùng con cái như những người "bạn" của con mình", PGS. Tuấn nói.