1.200 ngày của bà mẹ Hà Nội có con bị bệnh Down

14/07/2016 - 19:38
Con bị bệnh Down, có những lúc chị Nguyễn Hiền Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ muốn tìm đến cái chết, nhưng rồi chị đã học được cách để chấp nhận sự thật này.

 

Nuôi con bị bệnh down, nhiều lúc tôi cảm thấy stress vô cùng. Ảnh minh họa internet.

Giống như các bà mẹ, tôi rất hạnh phúc khi con yêu chào đời. Nhưng niềm hạnh phúc đó duy trì chưa được bao lâu thì tôi phát hiện ra bé bị bệnh Down. Đất trời xung quanh như đổ sập xuống đầu tôi. Lúc đó tôi chỉ biết khóc. Tại sao số phận lại nghiệt ngã với tôi và con như thế? Tôi biết phải làm gì đây? Rồi con tôi sẽ sống thế nào?

Sau một thời gian đau khổ và tự trách bản thân mình, tôi đã phải cố bình tĩnh để nghĩ nước mắt sẽ không giải quyết được việc gì. Rồi tôi cũng phải gạt nước mắt cố mà tươi tỉnh, cố mà bình tâm để nghĩ xem phải làm gì tốt nhất cho con.

Hành trình nuôi con, chăm con vô cùng vất vả và mệt mỏi, nhiều lúc tôi cảm thấy stress vô cùng. Con yếu, lại hay ốm đau đã khiến tôi kiệt sức. Nhiều lúc tôi nghĩ đến cái chết nhưng ý nghĩ nếu tôi bỏ cuộc ai sẽ là người chăm sóc con? Cuộc sống của tôi bây giờ không còn là của riêng tôi, mà đã thuộc về con.

Xốc lại tinh thần, tôi bắt đầu chiến dịch tập luyện, chăm sóc, dạy dỗ con. Vì sự phát triển của con, tôi đã gửi con vào trường mầm non tư thục gần nhà. Ngày đưa con đến ra mắt các cô, tôi không e ngại, kể hết bệnh tình của con cho các cô nghe. Yêu cầu của tôi không cao, vì con nhút nhát nên tôi chỉ mong con được chơi với các bạn để mạnh dạn hơn, phản ứng nhanh hơn. 

Tôi biết rằng những đứa trẻ như con cần được giao tiếp. Thế nên, tôi cho con ra ngoài nhiều nhất có thể, đến những nơi có nhiều trẻ con như công viên, sân chơi. Tôi nói chuyện với con bất kể lúc nào con nghe được, tôi sẵn sàng chơi với con, kể cả ôm con cùng chơi trò cầu trượt, trò mà có lẽ rất ít bà mẹ chơi cùng con.

Nhìn con lớn khôn, tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc với sự "chấp nhận" này. Ảnh minh họa internet.

Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên tôi làm là mát xa đầu, mặt giúp con tỉnh táo. Rồi hai mẹ con cùng "ôn bài". Mắt con đâu, mũi tẹt con đâu, mồm con đâu... Rồi con gà gáy thế nào, con chó sủa thế nào... Muốn con nhận biết được sự vật, tôi dùng biện pháp “nói có sách, mách có chứng”. Tôi dắt con ra chợ để chỉ cho con con gà, con cua, con cá… Tôi cố gắng dạy con nói, dạy con học mọi thứ. Dù trí não của con phát triển chậm, nhưng tôi thực sự không quá cưng chiều con như nhiều người tưởng. Làm gì với con tôi cũng phải kiên nhẫn, đức tính mà đến khi có con tôi mới học được.

Giờ đã tròn 40 tháng, con không còn quá nhút nhát. Con phân biệt được các bộ phận trên cơ thể. Con nói được vài từ tuy vẫn rất ngọng nghịu. Con biết tự mặc quần, tự lấy bô khi muốn đi vệ sinh, tự biết xúc ăn dù con làm vãi tung tóe đến hơn nửa... Con cũng biết lấy bát đũa cho mọi người, biết mời từng người một. Con còn biết hát, múa, nhảy nhót theo nhạc. Con biết nịnh mẹ mỗi khi mẹ giận, biết yêu cầu những bài hát mà con thích…

Con rất thích mỗi khi được mẹ nhờ làm việc gì đó.Con luôn có ý thức đòi hỏi được tự làm mọi chuyện, dù hầu hết đều không thành công, dù đôi bàn tay con còn vụng về. Con sống rất tình cảm, quấn quýt với bố mẹ. Nhiều lúc con cũng tỏ ra cực kỳ ngang bướng... Con biết nhiều điều và cũng không biết nhiều điều mà ở tuổi con những đứa trẻ bình thường đều biết...

Tôi bây giờ cũng không còn quá đau khổ, có lẽ bởi đã quen khi xác định phải học cách "chấp nhận" và tôi vẫn có niềm vui, hạnh phúc từ sự “chấp nhận” này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm