'Sợi dây yêu' giữa mẹ và con

04/11/2015 - 09:43
Bà mẹ nào cũng cảm thấy gần gũi với con ngay khi mới mang thai. Và từ lúc con chào đời là bắt đầu thời kỳ si mê con với bao bất ngờ thú vị. “Sợi dây yêu” ấy có điểm đầu là cho con bú.

Tạo hóa đóng vai trò lớn trong việc này. Sự sinh nở ở phụ nữ kích nổ “cơn lũ” hormone oxytocin (còn có tên hormone tình yêu) và prolactin (chịu trách nhiệm sản xuất sữa). Chính những hợp chất hóa học kỳ diệu làm cho mẹ, dù đã mệt “đứt hơi” sau lần vượt cạn và thiếu ngủ, vẫn dồi dào sức lực nở nụ cười tươi chào đón con, bắt đầu nảy nở tình yêu đằm thắm với “mặt trời tí hon”. Mẹ khao khát nhanh cho con bú và bảo vệ con trước mọi nguy hiểm. Đó chính là sự khởi đầu gây dựng sợi dây đặc biệt gắn kết giữa mẹ và con, mối liên hệ sẽ tồn tại suốt cả cuộc đời.

 Thường xuyên ôm ấp, yêu thương con sẽ khiến con có cuộc sống trọn vẹn hơn (Ảnh minh họa)

Sữa mẹ là thức ăn bổ dưỡng tốt nhất và lành mạnh nhất dành cho trẻ sơ sinh. Nó chứa đầy đủ các chất đường-bột, chất đạm, vitamin, thành phần vi khoáng cùng những tố chất cần thiết khác… củng cố khả năng đề kháng, giúp bé phát triển bình thường. Cho con bú còn là cơ hội để mẹ âu yếm, vuốt ve cơ thể non nớt của bé, tạo tình cảm gần gũi, gắn bó mẹ-con. Thực tế, trong lúc người mẹ cho con bú, cả trong cơ thể mẹ và con đều xuất hiện hormone oxytocin, tạo cảm giác phấn chấn, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực giúp bạn vượt qua những khó khăn lần đầu làm mẹ.  

Thế nhưng điều đó không có nghĩa những bà mẹ vì nhiều lý do khác nhau không thể thực hiện “nghĩa vụ” này sẽ không có hy vọng tạo dựng sợi dây gắn bó và gần gũi đích thực với con.  Thay việc không thể cho con bú bằng cách tăng thời gian gần gũi và ôm ấp con. Các mẹ hãy nhớ, con bú bình nhanh no bụng hơn, song nhu cầu được mẹ ôm ấp không thấp hơn trẻ được bú mẹ. Vì thế, trong thời gian cho con bú bình, hãy trừu mến nhìn vào mắt con và âu yếm ôm con vào lòng. Khi con đã no nê, không nên lập tức đặt con xuống giường, mà hãy bế bé thêm, đừng sợ con bện hơi mẹ hay mẹ làm hư con.

Mẹ bế con là thời gian 2 cơ thể tiếp xúc gần gũi. Xúc giác (sự động chạm) chính là tri giác phát triển nhất của trẻ mới chào đời. Con thơ thích được ôm ấp, nó cho con cảm giác an toàn và hạnh phúc. Trẻ sơ sinh cũng nhìn rõ duy nhất ở khoảng cách 25-30cm, còn lại đối với con là mảng tối lờ mờ (mãi đến 2 tháng tuổi trẻ mới nhìn thấy những gì xa hơn, mới có khả năng nhận biết mặt mẹ). Vậy nên trong mấy tuần đầu, các mẹ phải cố gắng hiện diện rất gần, nếu muốn con nhìn thấy mẹ. Thậm chí các chuyên gia chỉ định tiếp xúc “da kề da”, để “mặt trời non nớt” cảm nhận mùi đặc trưng của mẹ, nhịp đập tim an ủi nhẹ nhàng và hơi ấm dễ chịu tỏa ra từ cơ thể mẹ.

Khi trẻ lớn dần và từ trẻ sơ sinh trở thành trẻ mẫu giáo, thậm chí trẻ vị thành niên, mẹ cũng không nên từ bỏ thói quen ôm con. Nếu trẻ tìm kiếm cảm giác gần gũi, hãy dành cho con thời gian thích hợp. Khoa học đã chứng minh, những đứa trẻ suốt tuổi ấu thơ thường xuyên được mẹ ôm ấp, sẽ tạo dựng cảm giác tự tin và có thái độ tích cực đối với cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm