13 thói quen những người lịch sự đều có, bạn thì sao?

NGUYỄN HƯỜNG
23/05/2022 - 12:00
13 thói quen những người lịch sự đều có, bạn thì sao?
Đây là những thói quen giúp bạn trở nên lịch sự và văn minh hơn, mở ra nhiều mối quan hệ tốt đẹp.

Họ nói "Làm ơn" và "Cảm ơn"

Bonnie Tsai, chuyên gia về phép xã giao, người sáng lập và giám đốc của Beyond Etiquette cho biết, “Làm ơn” và “Cảm ơn” là hai câu nói không thể thiếu trong phép giao tiếp cơ bản, giúp các cuộc trò chuyện của bạn trở nên thuận lợi hơn. Chúng ta thường được dạy điều này từ khi còn nhỏ nhưng lớn lên lại dễ quên đi điều đơn giản mà tốt đẹp này. Hãy thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng với người khác.

Họ không chạm vào người khác khi chưa được phép

Ngoài hành động bắt tay, những người lịch sự sẽ không chạm vào người khác hoặc xâm phạm không gian của họ khi chưa được phép. “Họ làm điều này vì họ hiểu không ai cảm thấy thoải mái khi bị một người hoàn toàn xa lạ động chạm vào. Nếu bạn không chắc chắn, hãy hỏi đối phương trước khi tiếp tục”, Tsai giải thích.

Họ thừa nhận khi mắc sai lầm

Một người lịch sự sẽ thừa nhận khi mắc sai lầm và chịu trách nhiệm, cố gắng làm những gì có thể để sửa chữa, cải thiện tình hình.

“Một số người không thích thừa nhận khi họ sai nhưng điều này thực sự không khiến họ trông thông minh hơn mà ngược lại còn khiến họ trở nên kiêu ngạo và thiếu hiểu biết,” cô giải thích.

Họ không đặt những câu hỏi quá cá nhân

“Đặt câu hỏi cá nhân không phải là cách tiếp cận hay ho để bạn tìm hiểu thêm về ai đó”, Parker nói.

Ngay cả khi bạn muốn biết thêm thông tin chi tiết về một người nào đó, bạn cần biết đâu là giới hạn trong những câu hỏi của mình. Sẽ tốt hơn khi bạn để đối phương chủ động chia sẻ những thông tin họ cảm thấy thoải mái hơn là buộc họ phải tiết lộ những điều họ không muốn.

Họ làm cho người khác cảm thấy thoải mái

Maryanne Parker, chuyên gia tư vấn kinh doanh và xã hội ở San Diego, tác giả cuốn sách Posh Overnight, cho biết: “Những người lịch sự thường có con mắt tinh tường để nhận ra rằng liệu ai đó có đang cảm thấy không thoải mái. Họ biết những điều dù chỉ nhỏ thôi có thể giúp ai đó nâng cao tinh thần”.

Họ không ngắt lời người khác

Một trong những lỗi giao tiếp cơ bản là ngắt lời người khác khi họ đang nói. Những người lịch sự chỉ đơn giản là không làm điều đó. Họ là những người biết lắng nghe, tập trung vào những gì người đối diện đang nói thay vì chỉ chăm chăm nghĩ về những gì bản thân muốn nói tiếp theo.

Họ có ngôn ngữ cơ thể lịch sự

Những lời nói lịch sự thôi là chưa đủ nếu ngôn ngữ cơ thể của bạn đang truyền đi thông điệp hoàn toàn khác. Người lịch sự luôn chú ý đến cả cách cư xử, tư thế cũng như cách nói năng của mình.

Trong các cuộc trò chuyện, họ duy trì giao tiếp bằng mắt, giữ thái độ cởi mở, không nghịch điện thoại và tránh nhìn chằm chằm vào mặt hoặc cơ thể của người khác…

Họ không nói chuyện phiếm và cũng không nghe những lời đàm tiếu

Chúng ta dễ đưa ra những đánh giá nhanh về người khác và muốn chia sẻ chúng với người khác. Tuy nhiên, những người lịch sự sẽ giữ những suy nghĩ đó cho riêng mình.

“Một người lịch sự sẽ cố gắng hiểu quan điểm của người khác thay vì phán xét. Nếu họ nói rằng sẽ không nói với ai, sẽ không ai có thể biết điều đó từ họ”, Tsai nói.

Không chỉ không nói, những người lịch sự cũng sẽ không nghe, không tham gia vào những lời đàm tiếu này. Nếu không thể tìm cách thay đổi hướng cuộc trò chuyện sang chủ đề lịch sự hơn, họ sẽ lịch sự rời đi.

Họ lắng nghe nhiều hơn nói

Không gì kém lịch sự hơn việc ai đó biến cuộc trò chuyện thành buổi độc thoại. Một phần trong phép lịch sự khi giao tiếp chính là lắng nghe người khác. Và chỉ im lặng khi ai đó đang nói thôi là chưa đủ, những người lịch sự biết dùng các kỹ thuật lắng nghe tích cực khác như giữ giao tiếp mắt, gật đầu… để đối phương cảm thấy mình thực sự được lắng nghe và tôn trọng.

Họ đối xử với người bảo vệ như giám đốc điều hành

Tsai nói: Sự lịch sự khiến bạn đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, địa vị, sự giàu có, chủng tộc hay bất kỳ yếu tố nào khác. Điều này có nghĩa là bạn đối xử với những người khác bằng sự tôn trọng và phẩm giá, đối xử với những người hát rong và tài xế taxi cũng như bạn đối với chủ tịch công ty hoặc một người nổi tiếng của bạn. Nó cũng có nghĩa là bạn hành động với lòng tốt ngay cả khi không có ai khác đang theo dõi.

Họ không bao giờ gây hấn thụ động

Parker chia sẻ: “Thô lỗ luôn là thô lỗ, dù hành động đó có được bao biện bởi bất cứ điều gì”. Gây hấn thụ động là những hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp, không lộ liễu và những người lịch sự sẽ không bao giờ sử dụng cách này.

“Đừng bao giờ bác bỏ người khác một cách thiếu thiện chí rồi đơn giản là nói: 'Tôi chỉ đang trung thực mà thôi'”, cô nói.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải chấp nhận tất cả những gì người khác nói và làm mà là học cách vượt qua nỗi sợ đối đầu cũng như cách công nhận những khác biệt và thảo luận vấn đề khó khăn một cách cởi mở và thẳng thắn.

Không lấy lỗi/sai lầm của người khác làm niềm vui cho mình

Có một điều kỳ lạ là nhiều người tìm thấy niềm vui trong nỗi bất hạnh của người khác. Trong khi đó, những người lịch sự hiểu không ai là hoàn hảo và họ luôn đối xử với mọi người bằng thái độ bao dung. Không ai muốn mình bị đem ra làm trò cười trong hoàn cảnh tương tự.

Họ biết sự khác biệt giữa âm lượng trong nhà và ngoài trời

Việc nói với âm lượng quá lớn ở những nơi công cộng không chỉ gây khó chịu cho mọi người xung quanh mà còn là cách nhanh chóng khiến bạn bị coi là thô lỗ, thiếu tế nhị. Những người lịch sự luôn biết cần điều chỉnh cho âm lượng nhỏ lại khi ở trong nhà và có thể tăng lên khi đang trò chuyện ở ngoài trời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm