132 mẫu hải sản 4 tỉnh miền Trung nhiễm phenol

20/09/2016 - 11:55
Sáng 20/9, Bộ Y tế đã công bố chất lượng hải sản các tỉnh miền Trung. Theo kết quả xét nghiệm, có tới 132/1.040 mẫu hải sản còn nhiễm phenol. Tất cả mẫu hải sản này đều sống ở tầng đáy và Bộ Y tế đề nghị người dân không sử dụng những loại hải sản này.
Theo Bộ Y tế, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương thực hiện lấy mẫu các loại hải sản, kiểm nghiệm và cung cấp thông tin cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Ngày 22/8, sau khi Bộ TN&MT công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng… và các chuyên gia quốc tế để tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản miền Trung.
14407755_10207258843696411_424395282_n.jpg
Kết luận của Bộ Y tế về chất lượng hải sản các tỉnh miền Trung
Theo đó, Bộ Y tế đã lấy 1.040 mẫu hải sản tại tất cả gò cá, cảng cá, thuyền đánh cá, cá nuôi tại 4 tỉnh miền Trung, bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Các mẫu được kiểm nghiệm các chỉ tiêu Xyanua, phenol, thủy ngân, Cadimi, chì, crom, Asen và sắt tại Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng lấy mẫu tại 3 tỉnh để đối chứng là Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy:
- Tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh đối chứng đều không mẫu nào có chất Xyanua.
- Các chỉ số như thủy ngân, Cadimi, Crom, Asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh trên đều nằm trong giới hạn cho phép và đảm bảo an toàn.
- Các kết quả xét nghiệm đối với hải sản nuôi tại 4 tỉnh miền Trung đều an toàn.

Đối với phenol:
Tất cả các mẫu hải sản tầng nổi (cá thu, cá ngừ, cá nục, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá trích, cá bò, cá cam, cá hố) tại 4 tỉnh không phát hiện mẫu nào nhiễm phenol.
Phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá. Đây là các loại hải sản sống ở tầng đáy.
Phân bố 132 mẫu hải sản nhiễm Phenol đều nằm trong vùng từ 5 đến 25km, với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Với kết quả trên, Bộ Y tế kết luận:
- Tất cả các mẫu hải sản sống ở tầng nổi của 4 tỉnh đều an toàn, có thế dùng làm thực phẩm.
- Các hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
c.jpg
Các loại hải sản tầng nổi đều đảm bảo an toàn
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị người dân không sử dụng ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để làm thực phẩm. Đồng thời, đề nghị 4 tỉnh miền Trung chỉ cho lưu hành các sản phẩm đã được xét nghiệm an toàn. Đối với các lô hải sản không an toàn thì phải tiêu hủy, đền bù theo quy định. Đồng thời, tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân về các loại hải sản chưa đảm bảo an toàn để có hướng khai thác, sử dụng phù hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm