pnvnonline@phunuvietnam.vn
15 lần shock điện để hồi sinh trái tim ngừng đập do đột quỵ
Ngày 8/7, BV Bạch Mai cho biết, BV vừa phối hợp với BV Gang Thép Thái Nguyên cứu sống bệnh nhân Nguyễn Trường Lưu (ở Thái Nguyên) bị đột quỵ nguy kịch.
Bà Nguyễn Thị Thùy, vợ bệnh nhân cho biết, chiều ngày 19/6/2020, ông Lưu có đi xe máy từ Hà Nội về Thái Nguyên. Về đến nhà, ông Lưu xuất hiện đau ngực, vã mồ hôi, cơn kéo dài hơn 1 tiếng. Gia đình đã đưa ông Lưu đến BV Gang thép Thái Nguyên cấp cứu.
Khi đến phòng cấp cứu, ông Lưu đột ngột xuất hiện tím tái, ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, các các bác sĩ trực nhanh chóng hồi sức tim phổi, hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân Lưu được tiêm Adrenalin và ép tim liên tục trong gần 30 phút nhưng vẫn không có mạch. BV đã gọi xin tham vấn chuyên môn của các chuyên gia Viện Tim mạch (BV Bạch Mai).
Qua trao đổi, các bác sĩ nhận định, có khả năng, bệnh nhân Lưu bị ngừng tuần hoàn do Nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp. Vì thế, bệnh nhân được tiếp tục vừa ép tim vừa sử dụng thuốc tiêu huyết khối. Sau 5 phút sau, dấu hiệu sinh tồn lác đác xuất hiện, bệnh nhân bắt đầu có mạch trở lại.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bệnh nhân xuất hiện các cơn rung thất, nhanh thất liên tục. Kíp cấp cứu lại tham vấn chuyên gia BV Bạch Mai rồi tiến hành shock điện.
Theo quy định, sau 4-5 lần shock điện và 30 phút ép tim mà không có dấu hiệu sinh tồn thì công cuộc hồi sức đó coi như không đạt kết quả và có thể dừng. Nhưng với quyết tâm còn nước còn tát, các bác sĩ vẫn tiếp tục shock điện. Đến lần thứ 15, rối loạn nhịp thất nguy hiểm đã qua, bệnh nhân tạm ổn định. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân lại bị biến chứng nặng nên BV đã quyết định chuyển về BV Bạch Mai.
Khi xe cứu thương trờ đến cổng A9, bệnh nhân được đánh giá các chỉ số sinh tồn. Các bác sĩ nhận định, nếu không được đặt stent thì bệnh nhân sẽ phải đối mặt với 2 nguy cơ: Thiếu máu và tử vong.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch và PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Tim mạch đều thống nhất chỉ định: Bệnh nhân cần được can thiệp càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, do bị ngừng tuần hoàn quá lâu dẫn đến việc bệnh nhân xuất hiện tình trạng toan chuyển hóa, suy thận tiến triển nhanh. Sau cuộc hội chẩn với chuyên gia hồi sức tích cực, bệnh nhân lại được chuyển tiếp lên Khoa Hồi sức tích cực. 7 ngày tại Hồi sức tích cực là từng giây cân não, cần mẫn từng giờ để theo dõi từng chỉ số, cân lên đặt xuống từng mmg thuốc, dịch truyền để duy trì được hô hấp, đảm bảo huyết động, lọc máu.
Sau 7 ngày tích cực điều trị, các chỉ số về dần ngưỡng cơ bản, bệnh nhân Lưu được rút ống nội khí quản và không cần lọc máu.
Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã có nhiều cải thiện. Bệnh nhân tiếp tục được các y bác sĩ chăm sóc, theo dõi.