18 năm sống trong lo sợ dưới đường điện cao thế

Nguyễn Tuấn Khang
23/04/2025 - 21:18
18 năm sống trong lo sợ dưới đường điện cao thế

Đường dây điện cao thế đi ngang qua căn nhà của vợ chồng ông Bình

Ngày Dự án đường dây 220kV Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên hoàn thành và chính thức đóng điện cũng là thời điểm mà hơn 80 hộ dân thuộc các xã của huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nơm nớp lo sợ khi sống dưới đường dây này. Lo sợ bị nhiễm điện, có hộ phải sang nhà người thân ở nhờ, có hộ phải dựng lều ở tạm.
Có nhà mà không dám ở

Dưới cái nắng gắt những ngày đầu hè, bên trong túp lều diện tích chỉ vừa đủ để đặt một chiếc giường đôi, bà Nguyễn Thị Tiến (66 tuổi, trú tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang phe phẩy chiếc quạt nan. Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Bình (70 tuổi, chồng bà Tiến) đang tỉ mẩn sửa lại chiếc quạt điện cơ Thống Nhất cũ để làm "vũ khí" chống chọi với cái nóng mùa hè.

Khi mà mọi sinh hoạt của gia đình bà Tiến chỉ gói gọn trong túp lều tạm thì cách đó độ mươi bước chân, căn nhà khang trang của gia đình hầu như ít được ông bà sử dụng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc đường dây điện cao thế 220kV chạy qua căn nhà gây nên tình trạng nhiễm điện. "Cứ tối đến, cầm bút thử điện chạm vào đâu cũng thấy đèn báo đỏ", bà Tiến chua chát nói.

Như để khách hiểu rõ thêm câu chuyện, ông Bình ngắt lời vợ rồi chầm chậm cắt nghĩa cái sự bất thường xảy ra 18 năm nay trong gia đình ông. Tháng 5/2006, Dự án đường dây 220kV Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên được đầu tư xây dựng. Đường dây điện chạy qua phần đất của gia đình ông Bình cũng như hơn 80 hộ dân khác thuộc các xã của huyện Đại Từ. 

Tháng 4/2007, dự án hoàn thành và đóng điện được 10 ngày, đó cũng là mốc thời gian mà gia đình ông Bình bị nhiễm điện. Sở dĩ ông biết được điều đó là do đã không ít lần các thành viên trong gia đình ông bị điện phóng. 

18 năm sống trong lo sợ dưới đường điện cao thế- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Tiến kể về những năm tháng vất vả sống dưới đường dây điện cao thế

Riêng bà Tiến bị 2 lần, còn ông Bình trong một lần cầm xà beng làm việc cũng bị điện phóng tê người, ngã sấp xuống khoảng sân trước nhà. "5 người trong gia đình tôi đều có thể trạng tốt, đi khám không bệnh tật gì nhưng sinh sống dưới đường dây điện cao thế nên lúc nào cũng cảm giác cơ thể mệt mỏi, thiếu sinh lực", ông Bình chia sẻ thêm.

Theo nội dung biên bản kiểm tra, đánh giá mức độ nhiễm điện tại gia đình ông Bình do đoàn công tác của Bộ Tài Nguyên và Môi trường lập ngày 30/10/2007 thể hiện cường độ điện trường tại điểm bất kỳ gần nhất đến dây tĩnh (đường dây 220kV - PV) là 8,53m, điện áp cảm ứng từ dây ăng-ten (ăng ten tivi - PV) thể hiện 862vol; trong quá trình kiểm tra, dùng bút thử điện thông thường chạm vào đầu dây ăng ten điện giật. 

Cũng tại biên bản này, kết quả đo tại một số điểm bất kì trong nhà cách mặt đất 1 mét, cho thấy mức độ nhiễm điện từ 0,032 đến 0,04 vol. Khi thử bút thử điện trên người vào ban ngày thì bút thử điện không sáng nhưng ban đêm, đứng trên ghế (không tiếp đất) thì bút đèn sáng (sử dụng bút thử điện thông thường).

Nhận thức được nguy hiểm tiềm tàng tại nơi mình sống, vợ chồng ông Bình quyết định cho 2 người con ra ngoài thuê phòng trọ ở. Còn vợ chồng ông dọn khu vực chuồng trâu bỏ trống, dựng thành túp lều ở tạm. Thời gian đến nay vừa tròn 18 năm. 

"Trước đây, tôi là giáo viên. Có kiến thức nên tôi biết được những nguy hiểm khi sinh sống tại khu vực nhiễm điện nên buộc lòng vợ chồng tôi phải để con, cháu ra ở trọ dù kinh tế chẳng khá giả gì. Sau này, các con lập gia đình, dịp hè hay Tết muốn về chơi với ông bà, vợ chồng tôi đều phải gạt đi. Các cháu còn nhỏ, về chơi rồi nhiễm điện, nhỡ ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng thì thật tội", bà Tiến nói.

18 năm sống trong lo sợ dưới đường điện cao thế- Ảnh 2.

Khu vực chuồng trâu cũ được vợ chồng ông Bình dọn dẹp, dựng thành túp lều để ở tạm

Nhận thấy những vụ phóng điện xảy ra ngày càng nhiều trong căn nhà của mình, ông bà đã gửi đơn thư, có ý kiến với chính quyền các cấp với nguyện vọng được hỗ trợ di dời, tái định cư tại một nơi ở mới an toàn hơn. Nhiều năm qua, không biết bao nhiêu lá đơn đã được gửi đi nhưng những kiến nghị của ông bà vẫn chưa được giải quyết. 

"Đường dây 220kV đi qua phần đất của gia đình tôi, dây thõng xuống cách nóc nhà tôi khoảng hơn 10 mét, không đủ yêu cầu an toàn phạm vi hành lang điện lưới nhưng chính quyền lại thông tin rằng gia đình tôi được tồn tại dưới hành lang lưới điện, không thuộc diện phải di dời. Khoảng cách gần như thế nên mỗi khi trời mưa, vợ chồng tôi có thể nghe thấy tiếng lẹt xẹt trên đường dây điện", ông Bình thông tin thêm.

Bỏ nhà đi ở nhờ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PNVN, Tuyến đường dây 220kV Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành tháng 4/2007. Toàn tuyến dây đi qua nhà của 328 hộ dân, trong đó có 27 hộ phải di dời, còn 301 hộ đủ điều kiện tồn tại trong hành lang lưới điện. 

Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có hơn 80 hộ dân bị ảnh hưởng khi sống dưới đường dây cao thế. Số hộ dân này tập trung ở thị trấn Hùng Sơn, xã Tiên Hội, xã Tân Thái…

18 năm sống trong lo sợ dưới đường điện cao thế- Ảnh 3.

Căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Dậu đã xuống cấp nhưng gia đình ông không thể sửa chữa vì sợ bị điện giật

Cách gia đình ông Bình khoảng hơn 8km, căn nhà được xây sửa từ năm 2003 của gia đình ông Nguyễn Văn Dậu (70 tuổi, trú tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ) đã xuống cấp. Mái ngói bong tróc khiến cho mỗi khi có mưa, nước dột tứ tung trong nhà. 

Mặc dù có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp để nơi ở được khang trang, an toàn hơn nhưng đã nhiều đội thợ đến khảo sát rồi lại lắc đầu, không dám nhận thầu công trình. Nguyên nhân là bởi căn nhà của gia đình ông Dậu nằm ngay dưới đường dây điện cao thế 220kV. 

"Khoảng cách từ mái nhà lên đến đường dây cao thế khoảng gần 10 mét, trong khi khoảng cách từ đường dây đến ngọn cây cao nhất cũng chỉ hơn 9 mét nên họ sợ trong quá trình thi công sẽ không đảm bảo an toàn, điện giật", ông Dậu lý giải.

Bản thân ông Dậu cũng hiểu những nguy hiểm khi sinh sống dưới đường dây điện cao thế. Thế nên từ nhiều năm nay, cứ đến khi tối trời, vợ chồng ông lại di tản sang chỗ khác để ngủ nhờ. 

Trong khi ông Dậu ra quán nhỏ nằm cạnh Tỉnh lộ 270 thì bà Nguyễn Thị Từ (58 tuổi, vợ ông Dậu) sang nhà người con gái ở cách đó khoảng 2km. Căn nhà của gia đình ông Dậu cứ đến 19 giờ lại ở trong tình trạng cửa đóng, then cài. 

Cũng giống như vợ chồng ông Bình, gia đình ông Dậu cũng gặp các vấn đề tương tự như tình trạng váng đầu, cơ thể mệt mỏi dù ông đã nhiều lần đi khám nhưng được chẩn đoán là không mắc bệnh gì. 

Một điểm chung nữa là khi đêm xuống, bút thử điện đều phát sáng với tất cả các đồ vật trong nhà. Từ năm 2008, huyện Đại Từ đã có kiểm tra và xác nhận. Đến nay, tình trạng này vẫn diễn ra khiến gia đình ông Dậu rất lo lắng. 

Trong khi một số hộ dân khác có điều kiện kinh tế đã chuyển đi nơi khác sinh sống để tránh nhiễm điện thì vợ chồng ông Dậu vẫn phải bám trụ lại căn nhà nằm ngay dưới đường điện cao thế.

Đại diện UBND huyện Đại Từ xác nhận thông tin trong quá trình kiểm tra tại các gia đình nằm dưới đường dây điện cao thế 220kv có hiện tượng bút thử điện sáng. Tuy nhiên, hiện tượng này có phải do nhiễm điện hay không cần phải có cơ quan chuyên môn kết luận.

Liên quan đến đề nghị được bố trí tái định cư, di dời khỏi hành lang lưới điện để ổn định cuộc sống, trao đổi với báo chí, ông Chu Tất Lợi, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng huyện Đại Từ, thông tin, hộ dân có đất ở, đất nông nghiệp dưới hành lang vẫn có quyền sử dụng và thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai. 

Riêng với trường hợp của ông Bình, các cơ quan chuyên môn của huyện đã giới thiệu các lô đất để giao cho ông bà nộp tiền sử dụng đất và di chuyển ra khỏi hành lang đường điện theo quyết định giải quyết khiếu nại của tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên gia đình chưa nhận đất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm