Ô nhiễm bủa vây làng nghề thu 100 tỷ mỗi năm ở Nam Định

Nguyễn Tuấn Khang
20/04/2025 - 11:39
Ô nhiễm bủa vây làng nghề thu 100 tỷ mỗi năm ở Nam Định

Khói bụi từ hoạt động cô đúc nhôm khiến thôn Bình Yên lúc nào cũng như được bao phủ bởi sương mù

Thôn Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là làng nghề chuyên tái chế, cô đúc nhôm từ phế thải. Hoạt động này đem lại nguồn thu ước tính khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng, việc phát triển làng nghề không gắn với bảo vệ môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân trong thôn.
"Thôn sương mù"

Đứng từ xa, có thể dễ dàng nhận ra những ống khói của các lò cán, nấu nhôm tại thôn Bình Yên "vô tư" phả thẳng khói lên trời. Càng đi vào sâu trong làng, không khí càng trở nên đặc quánh. Vào giờ cao điểm hoạt động của các lò cán, nấu nhôm, toàn thôn Bình Yên bị bao phủ bởi một làn khói mờ. Chẳng thế mà thôn Bình Yên còn được gọi bằng cái tên "thôn sương mù".

Về làm dâu và sinh sống tại thôn Bình Yên gần 40 năm nay nhưng bà Nguyễn Thị L. không thể tưởng tượng được có ngày, ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Ba Cồn lại rơi vào tình trạng ô nhiễm như hiện tại. 

"Bất kể nắng mưa, bầu trời ở thôn Bình Yên lúc nào cũng xám xịt, khói bụi giăng mắc trước mặt người dân. Không còn cách nào khác, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác phải đóng cửa phần lớn thời gian trong ngày để hạn chế khói bụi", bà L. chia sẻ.

Theo lời một người dân khác thì tại thôn Bình Yên, nhà cửa, cây cối, đường sá đều bị phủ bởi lớp bụi đen. Cả năm, chỉ có dịp Tết là người dân trong thôn không bị tra tấn bởi khói bụi do khi ấy, các lò nhôm đều đóng cửa, tạm dừng hoạt động. 

Người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. 

"Có những hôm ở trong nhà, tôi đã đeo khẩu trang mà vẫn không thể ngủ được. Chúng tôi rất mong chính quyền di chuyển các hộ làm nghề tái chế, cô đúc nhôm ra một vị trí khác. Đời chúng tôi đã khổ vì ô nhiễm từ hoạt động làng nghề, chúng tôi không muốn con cháu mình cũng phải sống trong ô nhiễm như này", một người dân thôn Bình Yên kiến nghị.

Những con sông, dòng kênh "chết"

Thôn Bình Yên nằm tại vị trí có 3 mặt là những con sông, kênh mương nội đồng. Trước đây, những con sông, dòng kênh này là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Ô nhiễm bủa vây làng nghề thu 100 tỷ mỗi năm ở Nam Định- Ảnh 1.

Có khoảng 1/3 số hộ dân trong thôn Bình Yên làm các công việc liên quan đến tái chế nhôm từ phế liệu

Tuy nhiên, khi nghề cô đúc nhôm xuất hiện tại đây, theo thời gian, nước thải kèm hóa chất từ hoạt động nhúng rửa sản phẩm nhôm tái chế theo đường ống xả thẳng ra sông, mương máng khiến nước chuyển màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. "Hơn 5 năm trở lại đây, các con sông, mương máng bao quanh thôn Bình Yên đều bị "giết chết" bởi hóa chất", bà Nguyễn Thị L. chia sẻ.

Hệ thống sông, ngòi, kênh mương bị ô nhiễm không chỉ là nỗi ám ảnh với người dân thôn Bình Yên mà còn là nỗi lo lắng với người dân các thôn lân cận. Để ngăn dòng nước ô nhiễm từ hoạt động làng nghề, họ chỉ còn biết chặn dòng kênh mương ở các điểm tiếp giáp. 

Đáng lo ngại hơn, mỗi khi mưa lớn, nước thải lại tràn sang diện tích trồng lúa, khiến nhiều diện tích ruộng không thể cày cấy. Đó cũng là lý do một diện tích rộng lớn ruộng đất của thôn Bình Yên giờ rơi vào tình trạng bỏ không.

Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, khoảng 5 năm trước, chính quyền xã Nam Thanh đã tiến hành xây dựng một hồ điều hòa nhằm lưu trữ nước thải của hoạt động nhúng rửa sản phẩm nhôm tái chế, sau đó đưa vào hệ thống xử lý nước thải. 

Tuy nhiên, hiện tại, nước thải trong hồ vẫn chưa được xử lý. Ngoài ra, nhà máy xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất với kinh phí đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng cũng đang trong tình trạng "đắp chiếu". 

Việc không hoạt động trong nhiều năm khiến các hạng mục của công trình bị xuống cấp. Chính quyền xã Nam Thanh cho biết, nguyên nhân khiến nhà máy này bị"đắp chiếu" nhiều năm qua là vì công suất thiết kế không đáp ứng được lượng nước thải thực tế.

Phát sinh từ hoạt động tái chế, cô đúc nhôm, xỉ tro cũng là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại thôn Bình Yên. Theo người dân, xỉ thải này chứa nhiều hóa chất độc hại, có tính ăn mòn cao nên cần được khu chứa trong kho kín trước khi vận chuyển đi xử lý. 

y nhiên, ở vị trí không xa các lò tái chế, cô đúc nhôm, hệ thống kho chứa xỉ thải lại ở trong tình trạng gần như lộ thiên.

Theo lãnh đạo UBND xã Nam Thanh, nghề cô đúc nhôm vốn không phải là nghề truyền thống của người dân thôn Bình Yên mà xuất hiện cách đây khoảng 30 năm. Thống kê sơ bộ, toàn thôn hiện có gần 200 hộ (chiếm khoảng 1/3 tổng số hộ dân trong thôn) làm các công việc liên quan đến tái chế nhôm từ phế liệu.

Khẳng định việc ô nhiễm môi trường từ hoạt động tái chế, cô đúc nhôm là có nhưng theo vị lãnh đạo xã này, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. 

"Để giảm ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã nhiều lần cho nạo vét, thu gom nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm lại tái diễn. Hiện xã đang tuyên truyền, vận động người dân quy hoạch sản xuất vào một khu để thuận lợi cho việc xử lý môi trường. Về vấn đề khói bụi, chúng tôi có yêu cầu các hộ dân xây dựng ống khói có chức năng xử lý bụi. Tuy nhiên, do vấn đề về kinh phí nên nhiều hộ dân vẫn còn chần chừ", vị lãnh đạo xã này chia sẻ.

Việc các hộ gia đình chỉ chú trọng vào sản xuất mà thiếu quan tâm đến việc xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tại thôn Bình Yên. 

Về giải pháp lâu dài và triệt để nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường, chính quyền xã Nam Thanh cho biết sẽ vận động các hộ dân chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, đây là một việc không dễ và đòi hỏi phải có thời gian.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm