2 nguyên nhân khiến tuổi thọ đàn ông thường thấp hơn phụ nữ?

Lương Hiền (Lược dịch)
30/04/2021 - 09:12
2 nguyên nhân khiến tuổi thọ đàn ông thường thấp hơn phụ nữ?

Ảnh minh hoạ

Các nhà khoa học đã quan sát sự chênh lệch tuổi thọ giữa nam giới và phụ nữ trong nhiều thập kỷ. Một báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy cách biệt trong tuổi thọ của nam giới so với phụ nữ.

Theo đó, phụ nữ Mỹ hiện có tuổi thọ trung bình là 81 tuổi. Còn đàn ông Mỹ chỉ sống trung bình tới năm 76 tuổi.

Nga là nước có sự chênh lệch về tuổi thọ giữa hai giới lớn nhất, lên đến 11 năm. Ở Nga, đàn ông trung bình sống đến 64 tuổi và phụ nữ trung bình đến 76 tuổi. Ở Nhật Bản, đất nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, đàn ông trung bình sống tới 80 tuổi, trong khi phụ nữ trung bình thọ 86 tuổi.

Trang Time dẫn lời tiến sĩ Perminder Sachdev, giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Đại học New South Wales (Úc), nguyên nhân khiến có sự chênh lệch về tuổi thọ của nam và nữ liên quan đến sinh học và hành vi.

Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Đại học California, San Francisco (UCSF), Mỹ, đăng trên tạp chí Aging Cell thì tuổi thọ của đàn ông thấp hơn phụ nữ một phần do cấu trúc nhiễm sắc thể. Phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X, còn nam giới có nhiễm sắc thể X và Y. Các nhà khoa học cho rằng, phụ nữ thường sống lâu hơn đàn ông vì nhiễm sắc thể X kép của họ bảo vệ chống lại bệnh tật khi các tế bào bắt đầu gặp trục trặc theo tuổi tác. Điều này có nghĩa là phụ nữ giữ hai bản sao của mỗi gene mà họ có, trong khi đàn ông chỉ giữ một bản. 

Theo đó, khi tế bào già đi, nếu một trong các gene bị hỏng, thì gene còn lại hoạt động như một bản sao lưu. Nam giới có nhiễm sắc thể XY, sự vắng mặt của một nhiễm sắc thể X nên không có bản sao lưu, dẫn đến sự lão hóa liên tục của các tế bào, khiến nam giới dễ mắc bệnh hơn, có nguy cơ ung thư cao hơn. Điều này giải thích tại sao đàn ông thường kém thọ hơn phụ nữ.

Tại sao tuổi thọ của đàn ông thường thấp hơn phụ nữ? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đã quan sát sự chênh lệch tuổi thọ giữa nam giới và phụ nữ trong nhiều thập kỷ.

Ở Anh, người ta ước tính rằng, đàn ông có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 40% và mắc bệnh cao hơn 16% so với phụ nữ.

Yếu tố sinh học tác động tới tuổi thọ của 2 giới được kể đến tiếp theo đó là hormone. Một đánh giá trên Tạp chí Nội tiết Quốc tế đã tìm thấy bằng chứng cho thấy estrogen ở nữ có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa loại tổn thương ADN dẫn đến bệnh tật. Đánh giá đó cũng đưa ra bằng chứng rằng, estrogen có thể giúp duy trì chức năng tế bào khỏe mạnh bình thường và có vai trò chống oxy hóa, loại bỏ các sản phẩm phụ từ quá trình trao đổi chất, gọi là các gốc tự do, gây tổn hại tế bào, đẩy nhanh quá trình lão hóa tế bào. 

Estrogen cũng giúp loại bỏ cholesterol xấu và ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đồng thời bảo vệ thần kinh, làm trì hoãn sự khởi phát của bệnh Alzheimer. Trong khi đó, hormone Testosterone ở nam đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp, bệnh tim, nhiễm trùng, ung thư và đột quỵ.

Nguyên nhân thứ ba khiến cho đàn ông có tuổi thọ thấp hơn phụ nữ là do kích thước cơ thể. Đàn ông cao lớn hơn phụ nữ và có nhiều tế bào trong cơ thể, mà càng có nhiều tế bào thì càng có nhiều nguy cơ bị đột biến tế bào có hại.

Giáo sư Perminder Sachdev giải thích thêm về lí do đàn ông kém thọ hơn phụ nữ là do yếu tố hành vi. Thứ nhất, phụ nữ có rủi ro nghề nghiệp và lối sống tốt hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, đàn ông dễ uống rượu và hút thuốc lá hơn so với phụ nữ. Tỷ lệ tử vong do xơ vữa động mạch của nam giới tăng 40% do hút thuốc lá. Điều này cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các nghiên cứu cũng cho thấy, phụ nữ có khả năng xử lý căng thẳng tốt hơn so với nam giới. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề ảnh hưởng đến tuổi thọ. Nghề nghiệp của đàn ông thường gặp nhiều rủi ro, như những người làm việc trong hầm mỏ, xây dựng, lái xe đường dài... do đó đàn ông có nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm