Trong 25 năm, tuổi thọ trung bình của người Việt tăng từ 65,5 lên 73,5

11/07/2019 - 18:34
Hôm nay, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới (11/7).
Nhân ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay, lãnh đạo Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã tái khẳng định sự cam kết nhằm thúc đẩy tiến độ trong việc đạt được những nội dung đã cam kết tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tổ chức tại Cairo, Ai Cập, vào năm 1994.
 
 
img_2510_1600x1067.JPG
Các đại biểu dự Lễ mính tinh nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay với chủ đề "Việt Nam - 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD Cairo, 1994) - Ảnh: Kiều Trang

 

ICPD được tổ chức năm 1994 đã đánh dấu một điểm khởi đầu mang tính đột phá. Tại Hội nghị quốc tế này, 179 quốc gia đã thông qua một Chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực Dân số và Phát triển. Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng cần đặt con người vào vị trí trung tâm, thực hiện trao quyền cho phụ nữ và cho phép mọi người dân được tự do quyết định thời điểm và khoảng cách giữa các lần sinh một cách phù hợp với hoàn cảnh của chính mình - đây là cơ sở để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.
 
 
img_2512_1600x1067.jpg
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ Trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại lễ mít tinh - Ảnh: Kiều Trang

 

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Việc đầu tư liên tục đã giúp Việt Nam đảm bảo sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và các thông tin về KHHGĐ cho người dân trên toàn quốc. Chính vì vậy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% vào năm 1988 lên 66,3% vào năm 2018.
 
Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Tổng tỷ suất sinh đã giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2,09 vào năm 2006.
 
Tại lễ mít tinh, ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ Trưởng thường trực Bộ Y tế, nhấn mạnh, công tác dân số Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7%/năm giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay.
 
 
pnvn-ok.jpg
Hiện Việt Nam còn rất nhiều thách thức cần vượt qua như tốc độ gia tăng quy mô dân số quá nhanh đã được khống chế, song mức sinh còn chênh lệch lớn giữa các khu vực và đã xuất hiện tình trạng mức sinh giảm quá mức ở một số khu vực - Ảnh minh họa
 
 
Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số 65 tuổi trở lên tăng từ 4,7% lên 7,6%. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn hẳn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm.
 
Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 34,9% năm 2017. Dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cũng như các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người cao tuổi bước đầu phát triển.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết thêm, hiện Việt Nam còn rất nhiều thách thức cần vượt qua như tốc độ gia tăng quy mô dân số quá nhanh đã được khống chế, song mức sinh còn chênh lệch lớn giữa các khu vực và đã xuất hiện tình trạng mức sinh giảm quá mức ở một số khu vực; Tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng giới trong tương lai; Những lợi thế của cơ cấu dân số vàng mang lại chưa được khai thác tốt; Già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng nhanh nhưng chưa có chiến lược thích ứng; Phân bổ dân số chưa hợp lý, quản lý dân cư phân tán, lạc hậu và chất lượng dân số còn nhiều hạn chế…
 

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực dân số thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, những kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, được Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng Giải thưởng Dân số của Liên hợp quốc. Việt Nam đang trên tiến trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững theo nguyên tắc phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ rơi ở phía sau. 

Kể từ năm 1994 tới nay, công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên toàn cầu:

- Tai thời điểm năm 1994, chỉ có khoảng 15% phụ nữ đã kết hôn tại các nước kém phát triển nhất có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Hiện nay, tỷ lệ này là 37%.

- 25 năm trước, tỷ lệ tử vong của phụ nữ khi mang thai hoặc khi sinh tại các nước kém phát triển nhất là xấp xỉ 8/1.000 phụ nữ. Hiện nay, tỷ lệ này đã giảm xuống một nửa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm