2 phương án về thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến với nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý

PV
27/03/2023 - 22:24
Chiều 27/3, Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (nhóm 2) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Huy Giang - Uỷ viên Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, cho rằng các ý kiến đóng góp mang tính phản biện vào dự thảo Nghị định sẽ góp phần hoàn thiện, đưa Luật Thi đua, khen thưởng vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Trong đó, các đại biểu đến từ các tổ chức chính trị - xã hội, bộ ban ngành tập trung góp ý với các nội dung như việc trích lập quỹ thi đua, khen thưởng đối với khối các cơ quan đoàn thể cần được xem xét cho phù hợp thực tế; việc cụ thể hóa đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng đối với cá nhân; việc quy định chức danh tương đương, thời gian khen thưởng quá trình cống hiến…

Về vấn đề lồng ghép giới trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết Bộ này đang xây dựng báo cáo đánh giá tác động việc lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo Nghị định. Trong đó, báo cáo có đánh giá việc đảm bảo cho lao động nữ thời gian nghỉ thai sản theo quy định xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến; quy định khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân, tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng...

Đặc biệt, dự thảo Nghị định này bổ sung quy định "Thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ được giảm 2 năm so với quy định chung" để phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

2 phương án về thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến với cán bộ lãnh đạo, quản lý  nữ - Ảnh 1.

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, quy định cũ thì thời gian nói trên là giảm 1/3 so với quy định chung; nhưng theo quy định mới thì quá trình này được giảm theo số tuyệt đối là 2 năm. Như vậy, theo cảm quan thì thấy "thiệt thòi hơn cho cán bộ, quản lý nữ". 

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án; bao gồm phương án như dự thảo Nghị định quy định là "giảm 2 năm so với quy định chung".

Phương án 2 là căn cứ theo Bộ luật Lao động, tính toán mức giảm thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ như sau: 

Ví dụ, thực hiện Luật này từ năm 2024, tuổi nghỉ hưu của nam 61 tuổi, nghỉ hưu của nữ là 56 tuổi 4 tháng, thì thời gian xét giảm đối với lãnh đạo, quản lý là nữ là giảm 4 năm 8 tháng. 

Đến năm 2025, thời gian xét giảm đối với lãnh đạo quản lý là 4 năm 7 tháng; cứ thế đến năm 2029, thời gian xét giảm là 4 năm. 

Đến 2033, thời gian giảm 2 năm 8 tháng. Đến năm 2034 giảm 2 năm 4 tháng. Từ năm 2035 trở đi giảm 2 năm.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, đây cũng là một phương án có ưu điểm là có lộ trình gắn với tuổi nghỉ hưu. Hạn chế là quy định này thay đổi theo từng năm từ năm 2024 đến 2035, đòi hỏi phải hướng dẫn thống nhất để tránh hiểu nhầm, sai sót trong thực hiện khen thưởng.

Theo Tờ trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, dự thảo Nghị định có 10 chương, 120 điều; trong đó hướng dẫn chi tiết một số điều như: đối tượng tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; thẩm quyền quyết định khen thưởng; hồ sơ, thủ tục xét tặng với danh hiệu thi đua; Quỹ thi đua khen thưởng, Thủ tục, hồ sơ hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm