pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 bất thường khi “tới tháng” báo hiệu tử cung tổn thương, mắc bệnh nghiêm trọng
Tử cung không chỉ duy trì cân bằng nội tiết tố mà còn quyết định đời sống tình dục, tốc độ lão hóa của chị em phụ nữ. Quan trọng nhất, tử cung hỗ trợ điều chỉnh lưu lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt cũng như trong quá trình sản sinh trứng. Đồng thời tạo môi trường sống và nuôi dưỡng thai nhi.
Tiến sĩ Liu Weimi, Trưởng khoa Phụ sản và Giảng viên tại Cao đẳng Y tế Đài Bắc (Trung Quốc) cho biết, tử cung là bộ phận vô cùng quan trọng nhưng lại rất dễ bị tổn thương trong cơ thể người phụ nữ. Ngoài việc xây dựng lối sống khoa học, đời sống tình dục lành mạnh để bảo vệ tử cung thì cũng cần nhận biết sớm những dấu hiệu khác thường, những tổn thương để phát hiện và điều trị bệnh tật kịp thời.
Bà nhắc nhở rằng, kỳ kinh nguyệt chính là một trong những thời điểm tốt nhất để tự kiểm tra sức khỏe tử cung. Nếu phát hiện 3 vấn đề sau đây chứng tỏ tử cung đã gặp vấn đề nghiêm trọng, thậm chí là mắc bệnh ung thư:
1. Rối loạn kinh nguyệt nghiêm trọng
Các rối loạn về kinh nguyệt đều có liên quan trực tiếp tới hệ thống sinh sản của phụ nữ, đặc biệt là tử cung.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Liu giải thích, một chu kỳ kinh nguyệt của người mạnh khỏe sẽ có thời gian trong khoảng 26 - 32 ngày. Những ngày có kinh nguyệt, hay còn gọi là hành kinh sẽ kéo dài từ 3 - 5 ngày. Chu kỳ này lặp lại hàng tháng trong suốt cuộc đời sinh sản của phụ nữ, ngoại trừ khi mang thai và chỉ dừng vĩnh viễn khi mãn kinh.
Nếu như chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn hoặc quá dài, không nằm trong khoảng trên thì có nghĩa là bạn đã bị rối loạn kinh nguyệt. Đặc biệt, rối loạn kinh nguyệt được xem là nghiêm trọng khi xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường giữa chu kỳ, chu kỳ quá ngắn dưới 20 ngày hoặc quá dài trên 48 ngày. Thậm chí là tháng có kinh tháng không, mất kinh và tháng mới có lại hoặc mất kinh hoàn toàn dù không mang thai.
Thêm 1 đặc điểm của rối loạn kinh nguyệt nghiêm trọng nữa là lượng máu kinh. Với rối loạn kinh nguyệt mức độ nhẹ đến trung bình, lượng máu kinh chỉ tăng lên hoặc giảm đi một chút ít, trong một vài tháng và có thể trở lại bình thường nhờ ăn uống, điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Nhưng với các trường hợp nghiêm trọng, máu kinh có thể đột nhiên ồ ạt gấp nhiều lần hoặc giảm lượng đi trên 50% hoặc thậm chí là biến mất hoàn toàn.
Lúc này, chị em cần cẩn trọng với u xơ tử cung, tổn thương nội mạc tử cung, viêm nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung…
2. Màu sắc kinh nguyệt bất thường
Theo giải thích từ Tiến sĩ Liu, kinh nguyệt là sự bong tróc của niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) kèm theo chảy máu thông qua âm đạo. Lượng máu thực tế trong kinh nguyệt chiếm khoảng 36%, còn lại 64% là các thành phần khác như niêm mạc tử cung, chất nhầy cổ tử cung, dịch tiết âm đạo…
Ảnh minh họa
Với những người khỏe mạnh, máu kinh sẽ thường có màu đỏ tươi hoặc đỏ phớt hồng, không quá nhớt cũng không quá loãng. Tuy nhiên, tùy theo độ tuổi và thể trạng, di truyền, ăn uống hoặc tác động từ thuốc mà màu máu kinh ở mỗi người phụ nữ có thể có một số khác biệt về màu sắc như: đỏ cam, đỏ nhạt, đỏ pha nâu nhạt, đỏ đậm. Thông thường, đầu chu kỳ máu thường có màu đỏ, đến cuối chu kỳ máu kinh lại chuyển sang màu đỏ nâu hoặc nâu đen ở mức độ nhạt.
Nhưng Tiến sĩ Liu nhấn mạnh, nếu máu kinh của bạn đột nhiên thay đổi màu sắc như: đen, xám, hồng rất nhạt, nâu đậm… thì rất có thể các bệnh về tử cung đã bắt đầu “tấn công”. Lúc này, máu kinh cũng thường có mùi hôi tanh, khó chịu hơn rất nhiều so với thông thường.
Đặc biệt, nếu máu kinh có màu đen và đặc hơn, hoặc đỏ loang trắng do pha lẫn mủ, cũng có thể là có nhiều cục máu đông hay dị vật thì tốt nhất là nhanh chóng đi tầm soát ung thư.
3. Các cơn đau bất thường
Các bệnh lý về tử cung, nhất là ung thư cổ tử cung sẽ gây ra nhiều cảm giác đau bất thường trong kỳ kinh nguyệt.
Phổ biến nhất là cơn đau bụng dưới, đau bụng kinh một cách dữ dội. Thậm chí đau đến mức khiến nhiều chị em gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được các hoạt động ăn uống, đi lại hay làm việc. Một số người còn đau quặn thắt đến mức toát mồ hôi hột, cơ thể nóng bừng như sốt cao hoặc giảm nhiệt đột ngột như cảm lạnh, cả người không có sức lực.
Hay đau vùng chậu, đau thắt lưng một cách bất thường khi “tới tháng” cũng rất có thể là “lời cầu cứu” từ tử cung. Bởi vì sự hình thành và phát triển của khối u trong cổ tử cung gây nhiều cản trở đến quá trình cung cấp oxy của tế bào.
Tiến sĩ Liu cho biết thêm, cơn đau ở chân hay bất thường về tiết niệu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung nhưng lại ít người để ý tới. Cụ thể là cảm giác đau buốt âm đạo khác thường khi tới kỳ kinh, đi tiểu thì cảm thấy châm chích, tiểu buốt, tiểu không tự chủ… Thông thường, các dấu hiệu ở đường tiết niệu xảy ra khi ung thư tử cung đã lan đến các mô lân cận.
Một số chị em cũng thường bị phù chân trước và trong khi hành kinh. Tuy nhiên, nếu phù nề đi kèm cảm giác đau nhức vào những ngày này dù không bị chấn thương, mắc bệnh cơ xương khớp thì cũng nên hết sức cẩn trọng. Vì khi khối u tử cung phát triển lớn dần và lan rộng sẽ gây chèn ép dây thần kinh và làm tắc nghẽn máu không đến được tứ chi, gây sưng và đau chân. Nhất là vào thời điểm tử cung phải co bóp nhiều hơn để đẩy máu kinh thoát ra ngoài theo âm đạo.