3 bước để con dậy thì vẫn cởi mở, gắn bó với bố mẹ

Hoàng Duy
01/07/2020 - 19:42
3 bước để con dậy thì vẫn cởi mở, gắn bó với bố mẹ

Ảnh minh họa

Khi các con càng lớn càng ít cởi mở với mọi người trong gia đình và có những hành động khiến bố mẹ cảm giác như sắp “mất” con vì không thể chia sẻ, ở bên con... Đó là câu chuyện của nhiều gia đình có con đang tuổi mới lớn.

"Không chia sẻ sẽ không hiểu, không hiểu sẽ không thương"

Theo chuyên gia tâm lý Vy Hoa (Công ty Tài năng Việt), đây không phải là câu chuyện của riêng gia đình nào. Khi con ở lứa tuổi dậy thì, bắt đầu có nhiều vấn đề với con: Con thay đổi tính nết, thay đổi thói quen, con mất kết nối với bố mẹ, con không mở lòng chia sẻ, tâm sự với bố mẹ như những ngày con còn nhỏ.

Các bậc phụ huynh khi gặp tình huống này thường lúng túng, lo lắng và thậm chí là có những cảm xúc tiêu cực với con. Từ những cảm xúc tiêu cực đó, bố mẹ mới có những hành động chưa đúng như: nạt nộ, mắng, phạt con... khiến cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con ngày càng trở nên căng thẳng. Nhiều câu chuyện đau lòng như con nhốt mình trong phòng, con bỏ nhà ra đi hay thậm chí là con tự tử đã xảy ra chỉ vì bố mẹ và con không thể chia sẻ, không kết nối với nhau.

Tôn chỉ cho các mối quan hệ đó là: "Không chia sẻ sẽ không hiểu, mà không hiểu sẽ không thương".

Dưới đây là những hướng dẫn mà bố mẹ nên nằm lòng khi bố mẹ và con mất kết nối với nhau:

Thứ nhất: Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự mất kết nối này. Đây là bước quan trọng nhất, vì nếu không tìm được nguyên nhân, không "chữa" đúng chỗ đau sẽ không thể cải thiện được mối quan hệ này. Phải tìm được nguyên nhân đến từ con hay đến từ bố mẹ, hay đến từ bạn bè con, từ một nguyên nhân nào khác?

Để làm được điều này bố mẹ phải thật sự dành thời gian để nghiêm túc suy nghĩ, quan sát và để tâm đến con. Tự đặt câu hỏi:

- Vấn đề này thật sự xảy ra từ khi nào? (thời gian cụ thể nào mà con và mình bắt đầu có sự xa cách?)

- Tại thời điểm đó đã xảy ra chuyện gì?

- Lúc ấy cảm xúc của con như thế nào?

- Bố mẹ đã đồng hành với con trong sự kiện đó ra sao?

- Ngoài sự kiện đó còn có sự kiện khác nữa không? Đó là sự kiện nào? Mình đã làm gì với con khi có những sự kiện đó.

Khi bố mẹ thật sự nghiêm túc trả lời 5 câu hỏi này, gạt sự phán xét ra, thay vì cố gắng để hỏi con "Con bị làm sao? Tại sao con lại như thế?"... Hãy dùng sự cảm nhận, tình yêu của mình để trả lời 5 câu trên, bố mẹ sẽ tìm được nguyên nhân dẫn đến sự mất kết nối với con.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ hai: Hầu hết các bố mẹ đều mắc sai lầm là chỉ chăm chăm mong muốn con chia sẻ vấn đề với mình mà rất ít bố mẹ chủ động dành thời gian để tâm sự, chia sẻ câu chuyện của mình với con. Các bố mẹ thường nghĩ "chúng nó còn nhỏ, biết gì mà chia sẻ", chính tư duy này đã đẩy bố mẹ và con ngày càng xa nhau.

Vậy để bắt đầu buổi tâm sự với con, bố mẹ có thể rủ con đi cà phê hoặc cùng con tới không gian yên tĩnh, riêng tư. Hãy nói với con rằng bố/mẹ muốn được giãi bày tâm sự/câu chuyện cùng con. Ngày hôm nay, con hãy làm bạn của bố/mẹ để lắng nghe và tư vấn cho bố mẹ nhé...

Lần đầu tiên bố mẹ có thể chia sẻ câu chuyện của mình để xin lời khuyên từ con. Không quan trọng con khuyên điều gì, chỉ cần con lắng nghe và phản hồi thôi.

Ở lần "hẹn hò" thứ 2, bố mẹ có thể bắt đầu hỏi con rằng con cảm thấy như thế nào về bố mẹ, bố mẹ có phải là bố mẹ tốt/chưa tốt không? Có điều gì ở bố mẹ mà con mong muốn nhưng bố mẹ chưa làm đươc? Hãy để con được nói ra những suy nghĩ này. Với những chia sẻ của con, tuyệt đối bố mẹ không phán xét, không phản bác hay dạy dỗ lại con. Chỉ đơn thuần là lắng nghe thôi.

Bạn có thể lặp lại nhiều buổi như vậy, mỗi buổi một vài câu chuyện xoay quanh chính mình và gia đình mình. Khi con bắt đầu quen với việc lắng nghe và góp ý cho bố mẹ, con sẽ mở lòng hơn và chính khoảnh khắc đó bạn đã có thể kết nối lại với con của mình.

Thứ ba: Mọi đứa trẻ đều luôn có sự kết nối thiêng liêng với bố mẹ. Sự kết nối này chỉ tồn tại và bền chặt khi được "nuôi dưỡng" bởi tình yêu thương. Khi mất kết nối với con, đó là lúc bố mẹ phải dành tình yêu cho con nhiều hơn bao giờ hết. Đừng ngại nói lời yêu thương hay dành cho con những cử chỉ yêu thương. Hãy ôm con, hôn con như ngày con còn bé. Nếu bình thường con không cho bạn ôm và hôn, hãy đến bên con khi con đi ngủ, trao cho con tình yêu của mình. Bất cứ đứa trẻ nào cũng khao khát tình yêu, dù ngoài miệng con có thể nói không cần, không thích nhưng sâu bên trong đó mới là những đứa trẻ thiếu thốn tình yêu nhất.

Bạn có thể chọn 2 thời điểm "vàng" để thể hiện yêu thương với con: Lúc con mới bắt đầu chìm vào giấc ngủ và sáng sớm khi con chuẩn bị thức giấc. Nếu con hợp tác thì bất cứ khi nào có thể, hãy làm điều này. Hãy ôm và nói với con bố mẹ yêu con như thế nào. Chỉ có tình yêu thương từ trái tim mới kết nối và cảm hóa được một trái tim.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm