pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 cách thể hiện chân tính và những khám phá đáng kinh ngạc về tiềm năng con người
Theo Brian R. Little, tác giả của cuốn sách "Bạn thật sự là ai?", ngoài các yếu tố như gen di truyền, tác động của môi trường xung quanh, thì con người còn một "bản tính thứ ba" góp phần khẳng định bản thân. Quan điểm này lý giải rằng, những việc bạn làm sẽ xác định bạn là ai. Và yếu tố này đôi khi còn có tác động mạnh hơn cả đặc điểm sinh học và bối cảnh xã hội.
"Bản tính thứ ba" tìm hiểu về quá trình theo đuổi mục tiêu cá nhân, hay theo cách gọi của Brian là các công trình cá nhân. Các quan điểm mà Brian nêu ra hướng đến một mục đích là giúp độc giả khám phá và phát huy hết tiềm năng của mình. "Khi đã được trang bị kiến thức để tự hiểu mình, bạn có thể biết mình đang sống như thế nào và bắt đầu định hướng cho tương lai", Brian R. Little chia sẻ.
Ba cách thể hiện chân tính
Các đặc điểm tính cách con người bắt nguồn từ yếu tố sinh học, xã hội và bản chất đặc trưng. Trong cuốn sách "Bạn thật sự là ai?", tiến sĩ Brian đã chia ra 3 cách thể hiện chân tính tương ứng với 3 nguồn gốc đó.
Trước hết là chân tính sinh học, nghĩa là thuận theo bản tính tự nhiên. Theo Brian, sống đúng với chân tính là khi chúng ta trung thành với bản tính sinh học của mình. Để dễ hiểu, Brian lấy ví dụ, khi nhận được lời mời tham dự một bữa tiệc tại khu phố vào cuối tuần, cảm giác gì lập tức xuất hiện trong bạn? Vui sướng vì bạn vốn thích tiệc tùng, hay lo lắng vì bạn thấy những bữa tiệc chỉ khiến mình mệt mỏi? Nếu bạn hành động theo sự thôi thúc từ bản tính tự nhiên của mình, thể hiện ra bên ngoài cảm giác xuất phát từ những thứ bạn thật sự mong muốn, điều đó chứng tỏ bạn đang sống với chân tính sinh học.
Chân tính xã hội: Các quyết định bạn đưa ra cũng có thể tuân theo các yêu cầu xuất phát từ các quy chuẩn văn hóa và tình huống mang tính xã hội. Ví dụ, bạn là thành viên ban chấp hành của hiệp hội khu phố, thì việc tham gia bữa tiệc nói trên chính là một phần trách nhiệm mà bạn phải thực hiện.
Brian kết luận, khi không cần nghĩ ngợi mà nhanh chóng đưa ra quyết định dựa trên trách nhiệm xã hội của mình, chứ không nhất thiết là theo mong muốn cá nhân, là cách để bạn thể hiện chân tính xã hội.
Cuối cùng là chân tính đặc trưng, theo tác giả, là khi chúng ta tập trung toàn bộ tâm trí để hoàn thành mục tiêu của công trình cá nhân. Chúng ta hoàn toàn có thể hành động ngược lại với đặc điểm sinh học, bỏ qua những áp lực xã hội và thể hiện sự cam kết tuyệt đối với công trình cốt lõi của đời mình.
Quay lại ví dụ về bữa tiệc, bạn không phải là người thích tiệc tùng, càng không phải là thành viên trong ban chấp hành của khu phố nhưng bạn vẫn tham gia. Vì bạn thân của bạn sắp đi du học và cô ấy muốn bạn tham gia buổi tiệc cùng cô ấy như một kỷ niệm trước khi chia tay. Bạn xuất hiện trong bữa tiệc này là cách thể hiện chân tính đặc trưng. Bạn đang thực hiện công trình cá nhân là hiện diện vì bạn thân của mình. Việc tham gia bữa tiệc có thể trái ngược với sở thích của bản thân, thậm chí làm ảnh hưởng đến công việc hiện tại, nhưng không sao hết, bạn vẫn chấp nhận để hoàn thành mục tiêu cá nhân này.
Phóng tầm nhìn ra xa hơn, chúng ta có thể cảm nhận mình đa chân tính. Nhưng cách thể hiện chân tính đặc trưng không phải là lạc lối trong thế giới của "chủ nghĩa đạo đức tương đối", mà đang giúp bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn. "Bằng cách công nhận tất cả các bản thể của mình cũng như xem xét và tái cân bằng chúng, ta mới có thể thật sự sống đúng với chân tính của mình. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể hiểu rõ nhất mình là ai và làm thế nào để sống trọn vẹn nhất cuộc đời phong phú của mình", Brian đúc kết
Khi bạn không còn là "nạn nhân" của gien di truyền hay bối cảnh xã hội
Theo Brian R. Little, công trình cá nhân có thể không phải là những việc làm mang tầm cỡ vĩ đại, mà được hình thành từ những hoạt động bình thường, những nỗ lực lớn nhỏ liên quan đến cuộc sống của bạn. Ngoài ra, đó còn có thể là những gì bạn trải qua, những việc làm ở hiện tại hay những mong muốn trong tương lai. "Các công trình cá nhân còn là những hoạt động mà ta vui vẻ lựa chọn", Brian R. Little giải thích.
Tác giả nhấn mạnh tính quan trọng của hai bản tính còn lại - bản tính sinh học và bản tính xã hội - trong việc lựa chọn công trình cá nhân để tạo ra bản tính thứ ba, bởi "Hành trình thực hiện các công trình cá nhân sẽ có sự tác động lẫn nhau của cả ba khía cạnh trong tính cách và sự thành công của công trình cá nhân là cần thiết cho sự phát triển vượt trội", tiến sĩ chia sẻ.
Muốn biết được "Bạn là ai?", trước hết phải xác định được con người chân thật bên trong bạn. "Thật ra, bạn không có một con người thật. Trên thực tế, bạn có thể có đa chân tính", đó là quan điểm do Brian R. Little đưa ra trong hành trình tìm kiếm chân tính.
Theo nhận định mang tính đột phá này, việc có nhiều hơn một chân tính không có nghĩa là chúng ta thiếu la bàn đạo đức, thiếu trung thực hay mâu thuẫn nội tâm. Ông định nghĩa, "Đa chân tính chỉ đơn giản là một con người thành thật có thể khác nhau tại những thời điểm khác nhau, và con người thật sự của bạn có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh".
Trong cuộc sống, người ta thường khuyên nhau "Hãy sống là chính mình!", nhưng lời khuyên này có thật sự ý nghĩa khi con người vẫn luôn thay đổi từng ngày để thích ứng với cuộc sống và đạt được ước mơ của mình? Rõ ràng rằng, khi tự hạn chế bản thân trong một khuôn mẫu, là bạn đang tự chặn đứng khả năng phát triển của bản thân.
Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn có nhiều cách để thể hiện chân tính, và những cách đó không nhất thiết là những đặc điểm cố định. Như cái cách mà Brian đã thể hiện quan điểm: "Tôi tin rằng việc thay đổi cách hành xử đặc trưng của bạn để phù hợp với các tình huống khác nhau hoàn toàn không phải là dối trá hay đi ngược lại chân tính".