3 mốc thời gian quan trọng trong lộ trình tăng lương

14/09/2018 - 15:09
Theo Nghị quyết 107/NQ-CP của Chính phủ thì lộ trình tăng lương chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thống nhất với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021.

Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, lộ trình tăng lương đến năm 2030 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị được thực hiện với 3 mốc thời gian cụ thể:

Đến năm 2021: Bằng lương tối thiểu bình quân khu vực doanh nghiệp

Thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị;

Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đáng chú ý, mục tiêu đề ra, đến năm 2020, lương tối thiểu vùng phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp;

299images1932268luong.jpg
Theo lộ trình tăng lương của Chính phủ thì tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ dần phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa 

 

Đến năm 2025: Cao hơn lương tối thiểu bình quân khu vực doanh nghiệp

Thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước;

Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2030: Bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng cao nhất khu vực doanh nghiệp

Thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước;

Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Nghị quyết 107/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký (ngày 16/8/2018).

Trước đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo Nghị quyết của Trung ương Đảng, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ được thiết kế theo hướng cơ cấu gồm:

Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương);

Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Bên cạnh đó là bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Tiền lương những người làm việc khu vực công sẽ áp dụng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Nguyên tắc khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Theo đó sẽ thiết kế 5 bảng lương sau:

01 Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã;

01 Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo;

01 Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);

01 Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;

01 Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm