3 ngày nỗ lực cứu sống bé gái bị đuối nước nguy kịch

14/11/2017 - 20:29
Bé D. đi chơi trên thuyền. Trong lúc bất cẩn, bé đã bị ngã xuống hồ. Do bé không biết bơi nên đã bị đuối nước. Khi đưa đến BV, cơ thể bé đã tím tái rất nguy kịch.
Ngày 14/11, bác sĩ Đinh Mạnh Phương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (BV Đa khoa Tuyên Quang) cho biết, BV vừa cứu sống bệnh nhi Chẩu Thị Minh D. (13 tuổi, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) bị đuối nước nguy kịch.

Gia đình cho biết, ngày 12/11, bé D. đi chơi trên thuyền. Trong lúc bất cẩn, bé đã bị ngã xuống hồ. Do bé không biết bơi nên đã bị đuối nước. Một lúc sau, gia đình phát hiện nên vớt bé lên, sơ cứu rồi đưa đến BV Đa khoa Tuyên Quang.

Theo bác sĩ Phương, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng, tím tái. Kíp trực đã đặt ngay nội khí quản và cho bệnh nhi thở máy.
Các bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhi

Sau 3 ngày điều trị rất tích cực và chăm sóc đặc biệt, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại, bé không phải thở máy, tỉnh, tiếp xúc tốt và dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Phương cho biết, đuối nước là tai nạn rất dễ xảy ra với trẻ nhỏ, nhất là tại khu vực nông thôn nơi có nhiều ao hồ, sông ngòi. Đối với trường hợp bé D. khi bé được chuyển đến đã rất nguy kịch. Tuy nhiên, nhờ BV đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiên tiến từ tuyến trên theo đề án BV vệ tinh và các chương trình khác, các y bác sĩ cũng được tập huấn, nâng cao trình độ nên đã cứu được bệnh nhi. 

Để phòng tránh tai nạn đuối nước, các chuyên gia cho rằng, phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương nên quản lý, giám sát chặt chẽ trẻ, không để trẻ tự ý chơi đùa gần sông, suối, ao, hồ. Nếu trẻ di chuyển trên thuyền, bè, cần trang bị áo phao và phao cứu hộ và cần có người thành thạo bơi để kịp thời cứu nạn.

Ngoài ra, phụ huynh cần trang bị cho trẻ kỹ năng bơi, xử lý tình huống trong các trường hợp nguy cấp, giúp trẻ có thể thoát nạn, cứu nạn đảm bảo an toàn. Nếu trẻ em hoặc người lớn lỡ bị đuối nước, người phát hiện cần phải đưa người bị nạn đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, không được tự ý theo dõi tại nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm