Từ năm 2017, Công ty cổ phần kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh có một Hội đồng thành viên khoa học gồm 9 chuyên gia nông nghiệp đầu ngành về giống, phân bón, kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật… cùng đồng hành, hỗ trợ bà con nông dân trồng lúa khoa học, giảm chi phí, giảm thuốc sâu, giảm phân bón, tăng năng suất, tăng giá trị hạt gạo Việt. Đó là sự phối hợp hoàn hảo giữa “3 nhà”: nhà khoa học, nhà kinh doanh, nhà nông để dần hiện thực hóa sản phẩm nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng.
Nhà khoa học phổ biến kỹ thuật tận tình, bền bỉ
Năm 2014, kỹ sư Chu Văn Tiệp phát minh kỹ thuật cấy lúa hiệu ứng hàng biên và đã xây dựng được công thức cấy phù hợp với từng giống lúa. Năm 2015, được cấp bằng độc quyền sáng chế và được trao Giải thưởng Vifotec. Tại Hội chợ triển lãm Khoa học và Công nghệ quốc tế tổ chức ở Hàn Quốc năm 2016, phương pháp này được Hàn Quốc trao huy chương đồng và Thái Lan trao huy chương vàng.
Nguyên lý của kỹ thuật này là tạo cho mọi khóm lúa đều là khóm đầu bờ, tăng hấp thu ánh sáng, tăng đẻ nhánh, tăng số lượng bông và tăng số lượng hạt trên bông. Điều đó giúp cây lúa khỏe, giảm sâu bệnh, giảm cỏ. Cấy lúa truyền thống mỗi mét vuông thường 45-50 khóm thì cấy hàng biên chỉ còn 8-15 khóm, giúp nông dân giảm 1/3 chi phí công lao động, giống, thuốc trừ sâu, phân bón nhưng năng suất lại tăng 10-20%.
Hơn 4 năm qua, ông Tiệp đã miệt mài phổ biến kỹ thuật này cho bà con nông dân ở nhiều tỉnh/thành. Cho đến năm nay, vẫn có những nơi bà con nông dân ứng dụng kỹ thuật “một cách sáng tạo” như cấy thêm 1 hàng vào giữa, tự rút ngắn khoảng cách giữa các hàng hoặc lúc thì cấy hàng biên, lúc trở lại kinh nghiệm cũ, khiến cho ông cảm thấy như bị xúc phạm nhưng ông vẫn nhẫn nại thực hiện công việc của mình để giảm đầu tư, giảm thuốc trừ sâu, tăng năng suất, tăng chất lượng hạt gạo.
Nhà kinh doanh sẵn sàng cam kết hiệu quả, bù lỗ cho nông dân
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh - rất nhiệt huyết với mong muốn làm giàu cho bà con, tôn vinh đặc sản vùng miền và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. Trong chuyến thực tế vùng nguyên liệu của Công ty tại Kim Sơn (Ninh Bình) và Vĩnh Bảo (Hải Phòng), bà chia sẻ “Công ty cung cấp giống, đưa chuyên gia về hướng dẫn bà con cấy và chăm sóc lúa. Nhưng bà con phải cam kết không dùng thuốc diệt cỏ và bón phân, phun thuốc sâu đúng hướng dẫn. Công ty sẵn sàng cam kết hiệu quả, bù lỗ cho bà con nông dân nếu không đạt năng suất dự kiến, còn vượt thì bà con hưởng và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mục tiêu mà công ty hướng đến là có một sản phẩm chất lượng, không độc hại, nâng tầm giá trị gạo Việt, bảo vệ đất, tiến tới sản xuất lúa organic sạch, bảo vệ sức khoẻ và xuất khẩu gạo đạt giá trị cao”. Đây là một sự mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhưng cũng là cách Công ty góp phần thúc đẩy bà con nông dân mạnh dạn tin tưởng vào kỹ thuật mới, hiệu quả không chỉ ở năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn bảo vệ đất, bảo vệ chất lượng cuộc sống, nâng cao đời sống người nông dân.
Nhà nông tin tưởng kỹ thuật mới, đảm bảo quy trình sản xuất sạch
Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng là một trong những địa phương ứng dụng kỹ thuật cấy lúa hiệu ứng hàng biên sớm (từ năm 2014). Từ 8 hộ nông dân rụt rè thử nghiệm kỹ thuật mới đầu tiên, đến nay hàng ngàn hécta ruộng lúa của huyện ứng dụng mỗi vụ. Đó là câu trả lời thiết thực nhất cho kết quả thực tiễn. Nhưng cũng chính tại địa phương này, vẫn còn các hộ nông dân “áp dụng sáng tạo” kỹ thuật mới như cấy thêm hàng, thu hẹp khoảng cách hàng theo công thức được phổ biến, ngại việc bón phân “đích”, sẵn sàng dùng ngay thuốc trừ sâu “cứu lúa”… Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng của mùa vụ và kéo giãn khoảng cách đạt đến mục tiêu chung.
Bà Hạnh Hiếu khẳng định, dù các nhà khoa học có nghiên cứu ra kỹ thuật tốt đến mấy, nhà doanh nghiệp có hỗ trợ vốn, bao tiêu sản phẩm, song những người trực tiếp sản xuất làm đúng, làm chuẩn vẫn có vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa sản phẩm nông sản sạch.