Màu đỏ - hiện thân của sự ghen tuông
Bạn có biết màu đỏ là màu của tình yêu, màu của trái tim và màu của hi vọng, chiến thắng nhưng màu đỏ cũng là màu của sự ghen tuông?
Chuyên gia tâm lý học Adam Pazda, đại học Rochester, khẳn định, màu sắc có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và hành vi của con người. Trong công trình nghiên cứu của mình, Adam Pazda nhận thấy, cô gái sẽ tỏ ra miễn cưỡng khi giới thiệu một cô gái khác đang mặc một chiếc váy đỏ với bạn trai của mình. Đây là một hành động bản năng để bảo vệ tình yêu của mình, có thể hiểu nôm na rằng "tôi không muốn bạn trai của mình đến gần cô gái này!".
Nhà nghiên cứu Pazda còn cho biết, nam giới dễ bị thu hút hơn đối với những cô gái có trang phục đỏ và sẵn sàng dành nhiều thời gian, tiền bạc cho các cô gái ấy.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2010 trên tạp chí tâm lý học thực nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện, nữ giới cũng cảm thấy những người đàn ông mặc trang phục màu đỏ hấp dẫn hơn so với các màu sắc khác.
Cô nàng váy đỏ luôn "hút" mắt các chàng trai (Ảnh minh hoạ) |
Ghen tuông có tính di truyền
Ghen tuông không phải là một căn bệnh mà nó là một hội chứng tâm lý nhưng thật bất ngờ là nó lại có thể có tính di truyền.
Helen Fisher, một nhà nhân chủng học cho rằng, có một căn cứ di truyền trong phản ứng này. Theo Fisher, ghen tuông nảy sinh vì lý do tích cực, dù môi trường xã hội và gia đình đóng góp một phần vào tính cách con người, ghen tuông đã sinh ra trong con người từ thời tiền sử và có tính di truyền. Ghen tuông là một trạng thái gần như bản năng, nhiều khi vượt quá sự khống chế của con người, gây nên những tác hại không nhỏ.
Đàn ông và phụ nữ ai dễ nổi “máu Hoạn Thư” hơn?
Câu trả lời là cả hai giới này đều có thể nổi cơn ghen nhưng trong từng khía cạnh khác nhau.
Đàn ông ghen với sự không chung thủy tình dục nhiều hơn sự phản bội tình cảm. Điều này ngược lại với giới nữ. Phái đẹp thường ghen khi bị lừa dối tình cảm hơn là gian lận tình dục.
Đó là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đại học Alabama, Mỹ, trong một báo cáo trên Scientific American. Ông Christine Nicholson của nhóm nghiên cứu đã giải thích, khi nói đến sự khác biệt giới tính trong ghen tuông thì đó không phải là mức độ ghen mà là ghen vì lý do gì.
Các sinh viên nam, nữ tham gia nghiên cứu trả lời phản ứng của họ khi thấy ảnh của “người ấy” với người khác giới có dấu hiệu “tình tứ” trên trang cá nhân Facebook với thang điểm 1- 9, kết luận phụ nữ có mức độ ghen là 6, còn nam sinh chỉ là 4.
Một kết quả thăm dò khác đăng trên Ivillage, do nhà tâm lý David Frederick, trường đại học Chapman, California, Mỹ thì lại cho thấy, các đấng mày râu hay “soi mói, nghi ngờ” vợ nhiều hơn trong một cuộc khảo sát về tình dục trong hôn nhân. Có tới 34% đàn ông kiểm tra điện thoại của vợ mình để tìm bằng chứng ngoại tình. Chỉ có 24% các bà vợ làm điều tương tự.