3 sự tích về Tết Nguyên tiêu

10/02/2017 - 10:25
Từ xa xưa, trong quan niệm của người Việt đã có câu ‘Lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng’. Đối với người Việt, rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ thiêng liêng dịp đầu năm mới.

Tết Nguyên Tiêu là đêm rằm đầu tiên của năm mới mang ý nghĩa đoàn tụ, đoàn viên cùng gia đình, người thân trong dịp đầu năm. Trong dân gian, với số đông người theo phong tục thờ cúng tổ tiên thì rằm tháng Giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn. Còn theo truyền thống Phật giáo thì ngày rằm tháng Giêng mang ý nghĩa rất lớn, là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.
Ngày rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên Tiêu là đêm trăng tròn đầu tiên của một năm (‘Nguyên’ là thứ nhất, ‘Tiêu’ là đêm). Ngày này còn được gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ, Tết Thượng nguyên, Tết đoàn viên… là ngày Tết truyền thống của dân tộc Hán ở Trung Quốc.

Phật giáo qua hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của người Việt. Rằm tháng Giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần tư tưởng Phật pháp.

8-1409108406_660x0.jpg
 Nguyên tiêu là một trong những lễ tết quan trọng trong cộng đồng cư dân Hội An (Quảng Nam), đặc biệt là đối với bà con người Hoa. Ảnh: hoian-tourism

Về nguồn gốc của ngày rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên Tiêu, dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện nhưng phổ biến là 3 sự tích dưới đây:

* Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc. Thời ấy, các cung nữ sau Tết Nguyên Đán đều nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhưng không sao về thăm nhà được. Thời Hán Vũ Đế, có một cung nữ tên là Nguyên Tiêu, đã qua nhiều cái Tết trong cung cấm mà không được đoàn tụ với gia đình nên đã tìm đến một cái giếng toan kết liễu cuộc đời. May mắn thay, cô được Đông Phương Sóc, một sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống.

4.jpg
 Tết Nguyên Tiêu hay rằm tháng Giêng tương truyền có nguồn gốc từ thời Tây Hán ở Trung Quốc.

Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô gái, Đông Phương Sóc bèn nghĩ ra một kế. Ông bày một bàn bói quẻ trên phố Tràng An, tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ ghi dòng chữ : 16 tháng Giêng bị lửa thiêu rồi nói rằng, vào ngày này, thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành.

Được tin thần hỏa sẽ đốt thành Tràng An, Hán Vũ Đế vội triệu Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó. Đông Phương Sóc vờ suy nghĩ một lúc rồi tâu với vua: Nghe nói thần lửa rất thích ăn bánh trôi, trong cung có cung nữ Nguyên Tiêu khéo tay, có thể giao cho cô làm bánh đãi hỏa thần. Đồng thời, để tránh tai họa đó, mỗi người phải treo trước cửa nhà mình một chiếc đèn lồng đỏ vào ngày 15 để Ngọc Hoàng lầm tưởng thành Tràng An dưới trần gian đang bị lửa thiêu.

Để tặng công làm bánh dụ hỏa thần, nhà vua đã cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ với gia đình. Người đời ghi ơn dẹp nạn lửa của cô gái nên đặt cho chiếc bánh trôi và ngày rằm tháng giêng cái tên Nguyên Tiêu. Họ quan niệm ngày Tết Nguyên Tiêu đồng nghĩa với Tết đoàn viên hay Tết tình yêu.

bnh-tri-loi-bnh-c-lm-ph-bin-trong-tt-nguyn-tiu.jpg
 Bánh trôi còn được gọi là bánh Nguyên Tiêu - món ăn truyền thống trong ngày rằm tháng Giêng của người Trung Quốc.

* Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một sự tích Tết Nguyên Tiêu khác như sau. Ngày xưa, có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15 tháng Giêng xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới.

Rất may cho loài người là có một số vị thần trên thiên đình không đồng ý với quyết định này của Ngọc Hoàng nên đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong.

* Một giải thích khác theo sách ‘Ngày Tết Trung Quốc’ cho rằng: Tết Nguyên Tiêu có từ đời Hán. Hán Văn Đế lên ngôi đúng vào ngày rằm tháng Giêng sau khi dẹp yên cuộc rối ren do gia tộc họ Lã gây ra.

Từ đó theo lệ mỗi năm vào đêm rằm tháng Giêng, vua Hán Văn ra khỏi cung dạo chơi chung vui với thần dân. Chữ ‘Dạ’ (đêm) trong cổ ngữ Trung Hoa còn được đọc là ‘Tiêu’ nên vua Hán Văn đã lấy ngày rằm tháng Giêng làm ngày Tết Nguyên Tiêu.

3.jpg
 
2.jpg
 Lễ hội đèn lồng và lễ hội hoa đăng là 2 lễ hội truyền thống được tổ chức trong ngày này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm