Nguồn gốc quan niệm ‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi'

08/02/2017 - 16:25
Từ xa xưa đã truyền miệng câu ca dao rằng ‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’. Vậy nguồn gốc quan niệm này từ đâu mà có?

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè

Hay:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi,

Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

Nguồn gốc câu ca dao này của người Việt xuất phát từ truyền thống làm nông nghiệp lâu đời của nước ta. Đó là bởi ngày xưa, khi đại bộ phận cư dân làm nghề nông, với đặc điểm công việc theo thời vụ nên khi đến mùa vụ, người nông dân phải làm việc quần quật, đầu tắt mặt tối nhưng khi hết vụ thì chẳng có việc gì.

Theo cơ cấu mùa vụ đó, tháng Giêng là tháng còn tương đối nhàn rỗi, người dân chưa phải tất bật với công việc. Đây là thời điểm không thuận lợi cho việc cấy hái. Kể cả với những chân ruộng cần cày cấy sớm, người ta cũng đã cấy xong giống vào trước Tết Nguyên đán. Thời tiết lúc này cực rét hoặc rất thất thường, có gieo trồng cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Người xưa gọi đây là lúc nông nhàn. Vì lý do đó nên người ta mới nghỉ ngơi và mở hội hè.

Có thể nói tháng Giêng có nhiều lễ hội nhất so với những tháng còn lại trong năm. Chỉ tính riêng miền Bắc đã có hội gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, hội Bà Chúa Kho, hội Lim, hội Gióng, hội chùa Thầy, hội chọi trâu, ,… Và quan trọng nhất vẫn là ‘Lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng’ hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu.

hi-lim-nghe-ht-quan-h-bc-ninh-t-12-14-thng-ging.jpg
 Các liền anh, liền chị của hội Lim Tiên Du (Bắc Ninh) diễn ra trong các ngày 12-14 tháng Giêng.

Để chứng minh điều này, trong sách ‘Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm’, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phân tích rất kỹ.

Ông viết: ‘Con người ngày trước, trong nền văn minh nông nghiệp, trong tổ chức xã hội xóm làng, sống và điều khiển nhịp điệu sống sát với chu kỳ sinh trưởng của thế giới cỏ cây. Mà cỏ cây thì ‘xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng’. Mùa xuân, cây cỏ nảy lá, đâm chồi, vì ‘tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc’ rồi sang hè thì nở hoa, sang thu lại ngậm đòng, kết trái, để cho con người bước vào mùa hái lượm, và qua cái Tết cơm mới tháng 10 mà vào đông... Cho nên thời gian, theo quan niệm của nông dân, có thể gọi là ‘thời gian nông thôn’ - một thời gian chu kỳ gồm nhiều thời đoạn trải ra trên chu kỳ đó.

‘Nhất thì, nhì thục’, lao động nông nghiệp, lối sống nông dân phải nương tựa vào thời tiết, phải theo mùa… Lối làm ăn, lối sống nông nghiệp chỉ cho phép nghỉ vụ, nghỉ mùa, tức tạm nghỉ giữa hai chu kỳ sản xuất, nghỉ theo thời vụ (không kể những ngày nghỉ đột xuất vì gió bão, lụt lội). Cho nên nếu trong tự nhiên, xuân - thu chỉ là hai mùa chuyển tiếp tương đối ngắn ngủi giữa đông và hạ, giữa hai thời của chu kỳ khí hậu nóng - lạnh thì xuân thu nhị kỳ trong nông lịch cổ truyền cũng là hai thời buổi nông nhàn ngắn ngủi của đông đảo nông dân ngày trước.

Hội xuân, hội thu có nhiều cách gọi: tết, lễ, hội hay rộng hơn gọi là hội hè – đình đám, là một cách sử dụng thời gian nông nhàn theo mùa, theo vụ. Nhịp sống xóm làng xưa, điệu sống canh nông cổ truyền thiết yếu dựa trên một chu kỳ bao gồm lao động và lễ hội, hai hiện tượng xã hội luân phiên nhau trong không gian và thời gian của thôn xóm.’

Còn theo Phó giáo sư Trần Ngọc Thêm nhận xét trong cuốn ‘Cơ sở văn hóa Việt Nam’, đó là tâm lý ‘ăn bù, chơi bù’ thay cho những lúc đầu tắt mặt tối. ‘Nghề lúa nước mang tính thời vụ cao, lúc có việc thì tối tăm mặt mũi, ngay miếng ăn cũng đại khái cốt được việc thì thôi, cho nên lúc rảnh rỗi, người nông nghiệp có tâm lý chơi bù, ăn bù. Vì vậy mà ở Việt Nam, tết nhất đã nhiều, hội hè cũng lắm. Các ngày lễ tết được phân bố theo thời gian trong năm, xen vào các khoảng trống trong lịch thời vụ. Chữ ‘tết’ là biến âm từ chữ ‘tiết’ mà ra. Lễ tết phải gồm hai phần: cúng tổ tiên và ăn uống bù cho lúc làm lụng đầu tắt mặt tối’.

vt-cu-trong-l-hi-u-xun-lng-thy-lnh-phng-lnh-nam-hong-mai-h-ni.jpg
 Vật cầu trong lễ hội đầu Xuân ở làng Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội).

Như vậy, nguyên nhân đầu tiên của việc ‘ăn chơi’ là do nếu có làm nông nghiệp thì cũng không thuận lợi. Đây là nguyên nhân hoàn toàn chính đáng với một nước thuần nông xưa kia. Tiếp đó, nguyên nhân thứ hai xuất phát từ chính nhu cầu của con người. Cả năm làm việc vất vả, ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ nên đây là thời điểm con người nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, người thân, con cháu tỏ lòng kính ngưỡng đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Như vậy, quan niệm ‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’ vốn xuất phát từ cơ sở của xã hội nông nghiệp và tính thời vụ của nông nghiệp tạo nên. Tuy vậy, trong xã hội hiện nay, khi đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì quan niệm này phần nhiều không còn phù hợp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm