3 thế hệ 'truyền lửa' yêu dân ca ví, giặm

17/11/2018 - 10:35
Cái xóm nhỏ nằm lưng chừng một ngọn núi thuộc xã Ngọc Sơn huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) ngày ngày vẫn nghe những làn điệu dân ca ngọt ngào của chị Võ Thị Hồng Vân dạy cho các học trò đam mê ca hát.
Như một sự “phải lòng” với các làn điệu ví, giặm sâu lắng, dù vẫn còn nhiều vất vả, lo toan cho cuộc sống hằng ngày nhưng trong chị vẫn luôn có một niềm say mê đặc biệt với dân ca.
 
Mẹ con, bà cháu mê hát dân ca
 
Bà Lê Thị Vinh (mẹ đẻ của chị Vân) dù đã yếu nhưng khi nhắc đến những làn điệu dân ca ví giặm, trong bà bao hồi ức kỷ niệm ùa về. Thuở còn nhỏ, bà Vinh thường ra bến sông Lam mỗi buổi chiều, nơi có những chuyến đò chở đầy ắp tiếng hò ví giặm. Rồi cả khúc hát ru em của người mẹ già bên cánh võng những trưa hè nắng cháy, tất cả ngấm vào bà một cảm xúc khôn nguôi.
 
c-gia-nh-b-3-th-h-u-am-m-ht-dn-ca-v-dm.JPG
3 thế hệ trong gia đình chị Vân đều đam mê hát dân ca ví, giặm
Những khúc hát điệu hò ấy cứ vang mãi trong bà cho đến tận bây giờ. Là một gia đình làm nông, quanh năm suốt tháng chỉ quen với cày cuốc nhưng trong ngôi nhà nhỏ của bà vẫn thường ngân vang tiếng hát dân ca. Cả gia đình từ cụ bà đến em bé ai cũng say mê hát và hát rất hay. Bà kể: “Từ nhỏ khi nghe mẹ tôi hát ru các em, tôi đã lắp bắp hát theo. Lớn lên, mỗi lần ra ruộng tôi lại hát ghẹo với mấy người. Ngày đó, tôi tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng sôi nổi lắm. Bây giờ nhiều tuổi rồi, hát không còn được hay như trước nữa, nhưng tôi vẫn hát và thường hát ru cho cháu ngủ”.
 
Bà Vinh bùi ngùi nhớ lại: “Mỗi lần nghe mẹ tôi hát bài “Phủ tử tình thâm” , tôi lại trào nước mắt, có lẽ là do bài hát phù hợp với hoàn cảnh của gia đình tôi ngày đó. Đến bây giờ, ở cái độ tuổi “gần đất xa trời” nhưng từng câu từng chữ của bài hát, tôi vẫn còn nhớ. Tôi vẫn hay nói với con cháu là dạy các con hát dân ca là để các con luôn gắn bó với những kỷ niệm, có đi đâu cũng phải nhớ những tình cảm với quê hương xóm làng; biết yêu di sản văn hóa của quê mình". Bà đã truyền cho con gái - chị Võ Thị Hồng Vân, cho các cháu.
 
Chị Vân chia sẻ: “Tôi được mẹ tôi dạy hát dân ca và bây giờ tôi lại dạy cho những đứa con của mình. Từ những điệu hát ru đưa trẻ thơ vào giấc ngủ, những điệu hát giao duyên hài hước dí dỏm, những điệu ví phường vải, ví đò đưa bay bổng... tất cả đều được chúng tôi thuộc lòng”.
 
Clip một buổi học hát dân ca tại nhà chị Vân:
 
Dân ca ví giặm đã dần dần ngấm vào tâm hồn của mọi thành viên gia đình bà Vinh để rồi trở thành một niềm đam mê, một nhu cầu như bữa ăn, giấc ngủ. Cả gia đình 3 thế hệ: ông bà, con, cháu đều đam mê hát dân ca và tham gia nhiều hội diễn cấp xã, huyện, tỉnh. Chị Võ Thị Vân giờ là Chủ nhiệm CLB dân ca xã Ngọc Sơn. Chị tâm sự: “Khi CLB dân ca của xã được thành lập, các thành viên gia đình tôi là những người đầu tiên gia nhập CLB”.
 
Để duy trì và phát triển phong trào văn nghệ ở một vùng quê nghèo quả thật gian nan, chị Vân phải lặn lội tới vận động những người có năng khiếu ca hát tham gia CLB. Kinh phí hạn hẹp không có để phục vụ cho hoạt động của CLB, chị Vân không ngại viết thư ngỏ hay kêu gọi sự ủng hộ của mọi người, thậm chí bỏ tiền túi ra để trang trải cho hoạt động của CLB, chỉ với mục đích duy trì phong trào hát dân ca của xã nhà.
 
Anh Nguyễn Đình Hữu, Trưởng ban văn hóa xã Ngọc Sơn, chia sẻ: “Các thế hệ trong gia đình bà Vinh và chị Vân hoạt động bằng sự yêu thích, bằng một niềm đam mê ca hát thật sự. Chứng kiến việc bà Vinh và chị Vân đã truyền dạy những làn điệu ví giặm cho các thế hệ con cháu, chúng tôi rất xúc động. Điều đáng nói là gia đình chị Vân say mê với phong trào hát dân ca không vì mục đích gì, họ hát vì yêu thích, vì nhu cầu hát. Tôi cho rằng, đây là một trong những gia đình có truyền thống nhiều năm trong việc dạy hát dân ca và đạt kết quả đúng nghĩa đáng được ghi nhận”.  
 
Lớp học hát dân ca miễn phí 
 
Không chỉ sống với đam mê của riêng mình, chị Vân còn tổ chức các lớp học để truyền dạy những câu ca điệu ví cho thế hệ trẻ. Hơn 40 năm gắn bó với câu hò điệu ví, chị Vân là một trong những người tham mưu cho Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Chương thành lập nhiều câu lạc bộ dân ca trên địa bàn, trong đó có CLB dân ca ví giặm xã Ngọc Sơn do chị đảm nhận vai trò chủ nhiệm.
 
Từ năm 2015 đến nay, cá nhân chị thường xuyên mở những lớp dạy hát dân ca miễn phí tại nhà. Lớp học do chị đứng lớp có hơn 20 thành viên, với độ tuổi từ 7-20 tham gia, các em đến từ nhiều xã trên địa bàn huyện. Em Nguyễn Văn Khuyến (12 tuổi) nhà ở xã Thanh Xuân, hàng ngày phải đi về trên quãng đường hơn 25km để đến học hát, chia sẻ: “Đường hơi xa và khó đi, nhưng em rất thích dân ca ví giặm. Biết cô Vân mở lớp học dạy hát dân ca, nên dù đường xa đến mấy em cũng cố gắng để đến học. Nhờ cô Vân dạy dỗ mà chúng em đã hát tốt hơn trước rất nhiều”.
 
ghjk.JPG
Lớp học truyền dạy những câu ca điệu ví của chị Hồng Vân
Chia sẻ với chúng tôi, chị Vân tâm sự: “Không gì vui hơn khi được đem niềm đam mê của mình lan tỏa đến nhiều người. Vì vậy nhiều hôm dạy mệt, đau rát cả cổ họng, nhưng thấy được các em đắm chìm trong những ca hát thì mọi thứ đều tan biến".
 
"Chúng tôi chỉ mong sao các thế hệ tiếp  sau, hiểu được cái hay và biết yêu dân ca xứ Nghệ. Như vậy, dù có hát được hay không biết hát, mỗi lần nghe hát dân ca ví giặm họ sẽ thấu cảm được điệu hồn của quê mình, biết đồng cảm, biết sống và ước mơ nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ hát dân ca không chỉ dừng lại ở đam mê…", chị Vân chia sẻ thêm.
5_dooq.jpg
Các em nhỏ đam mê ví giặm. Ảnh minh họa

 

 
Bằng niềm đam mê dân ca ví giặm, cùng những chiêm nghiệm thực tế của cuộc sống, chị còn sáng tác ra những làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng. Chị bộc bạch: "Nuôi đam mê một mình thôi không đủ, bên cạnh tôi luôn có người chồng biết sẻ chia". Đó là ly nước ấm chồng pha lúc giọng bị khàn, đó là những bữa cơm chồng nấu khi đi tập hát về trễ… Chính từ sự quan tâm đó, cho dù cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả, lo toan nhưng chị vẫn được sống và cháy hết mình với đam mê.

Những cống hiến của chị Vân đã được ghi nhận. Tại Liên hoan kịch ngắn - kịch vui tỉnh Nghệ An lần thứ 5 - năm 2011, chị đã đoạt giải Diễn viên xuất sắc; Liên hoan Dân ca Việt Nam 2015 - khu vực Bắc miền Trung chị được trao giấy khen vì có thành tích xuất sắc; Liên hoan dân ca ví giặm xứ Nghệ, chị đạt giải C. Năm 2013, chị được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, chị vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm