3 thói quen tống bỏ chất thải càng làm cơ thể dễ nhiễm độc, nguy cơ mắc ung thư

LÊ PHƯƠNG
26/06/2022 - 11:45
3 thói quen tống bỏ chất thải càng làm cơ thể dễ nhiễm độc, nguy cơ mắc ung thư
Có những thói quen đơn giản, tưởng chừng vô hại nhưng không ngờ lại là yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư, vì thế mọi người cần phải chú ý để thay đổi.

Đi đại tiện là khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa, vấn đề này rất nhiều người tưởng rất đơn giản, nhưng thực tế hàng triệu người Việt lại đang mắc phải sai lầm. Chính những sai lầm này sẽ làm gia tăng mắc các bệnh liên quan đến đại trực tràng, thậm chí là cả ung thư. 

Cố rặn khi đi đại tiện

Ths.BS Hà Hải Nam - Khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K Trung ương) - cho biết, thói quen rất thường gặp hiện nay, đó là nhiều người cố rặn khi đi đại tiện. Đây là thói quen cần thay đổi để tránh nguy cơ gây nên một số bệnh như bệnh trĩ, rò hậu môn, sa trực tràng… Trường hợp khó khăn trong đi đại tiện kéo dài, cần phải thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân, tuyệt đối không cố rặn.

“Số lần đi vệ sinh thường phụ thuộc vào nhu cầu ăn uống của mỗi người. Thông thường, một người một ngày đi đại tiện 1 lần, hoặc 2 ngày một lần. Trường hợp 5 ngày hoặc một tuần mới đi đại tiện một lần thì cần phải xem lại”, bác sĩ Hải Nam cho hay. 

Việc cố rặn khi đi vệ sinh là nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Không tập trung khi đi đại tiện

Trong vài năm trở lại đây, khi thiết bị công nghệ phát triển thì thói quen xem điện thoại khi đi vệ sinh cũng là vấn đề rất đáng cảnh báo. Thông thường mỗi người đi vệ sinh, thời gian kéo dài chỉ khoảng 10 phút là hợp lý, tuy nhiên khi kết hợp xem điện thoại thì thời gian kéo dài có thể là gấp đôi. 

“Ngồi lâu trong nhà vệ sinh sẽ làm thần kinh vùng hậu môn trực tràng không hoạt động bình thường được và thân chủ cũng không điều khiển được. Điều đó thể hiện qua việc, khi muốn cho ra thì chất thải không ra, nhưng khi không muốn thì chất thải lại tự ý ra ngoài”, bác sĩ Nam cảnh báo.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Lê Thị Kim Dung - nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cho biết, thói quen mang theo điện thoại khi đi đại tiện tưởng vô hại, nhưng nó để lại hậu quả lâu dài. 

Theo đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc dùng điện thoại khi đi vệ sinh, nhất là đại tiện sẽ làm cho thời gian ngồi trong nhà vệ sinh lâu hơn, đó là yếu tố nguy cơ mắc bệnh trĩ. Bác sĩ Dung khuyến cáo, tốt nhất mọi người không đọc sách báo, xem điện thoại hay làm bất cứ việc riêng gì khi đi vệ sinh. Không ngồi trong nhà vệ sinh quá 10 phút.

Lười vận động sẽ khiến nhu động ruột hoạt động chậm, gây nên ổ viêm loét. Ảnh minh họa

Ngồi quá lâu, lười vận động 

Trong cuộc sống hàng ngày, nhất là thời điểm nắng nóng hiện nay, đa số mọi người rất ngại di chuyển. Thậm chí, ngay cả việc đi ăn cũng thực hiện tại chỗ bằng cách đặt đồ ăn qua các ứng dụng công nghệ. Theo nhận định của các chuyên gia, việc lười vận động, ngồi một chỗ quá nhiều gây không ít tác hại đối với cơ thể.

Bác sĩ Hải Nam cho rằng, việc ngồi quá lâu cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh về đường tiêu hóa, đó còn là yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư. “Sở dĩ ngồi quá lâu không vận động là yếu tố nguy cơ ung thư là vì, khi ngồi như vậy nhu động đường ruột hoạt động rất chậm. Khi đó, các chất phải đào thải ở lâu trong ruột già, gây kích thích nhiều vào niêm mạc ruột và dễ gây tổn thương, tạo thành ổ loét. Chính ổ loét này là yếu tố nguy cơ gây bệnh”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Bác sĩ Hà Hải Nam tư vấn, để quá trình đại tiện diễn ra trơn tru, mọi người cần thay đổi thói quen hàng ngày. Cụ thể, không nên ngồi quá lâu một chỗ, tăng cường vận động, tập luyện thể thao hàng ngày. Tăng cường bổ sung chất xơ, uống đủ nước để hệ tiêu hóa vận hành tốt hơn, từ đó tránh việc bị táo bón và đi đại tiện dễ dàng hơn. Hay ngay quá trình đi đại tiện cần phải tập trung, không nên phân tâm bằng các việc như xem điện thoại, đọc sách báo…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm