pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 thuận lợi khi khởi nghiệp trong năm mới
"Covid-19 đã có sự an ủi cho nhân loại. Đó chính là việc ngộ ra về sự mong manh của các đế chế kinh tế thương mại trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đó là việc ngộ ra yêu cầu phát triển bền vững phải song hành với đổi mới về công nghệ trong nền kinh tế. Đó là ngộ ra chìa khóa cho sự phát triển bền vững là chung tay của tất cả mọi người", TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ tại Festival Khởi nghiệp 2021.
Bằng chứng rõ ràng nhất là trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, phong trào khởi nghiệp vẫn rất sôi nổi khi năm 2020 có trên 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Tại báo cáo Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2020 của StartupBlink, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59. Đây vị trí cao nhất Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này. Nếu tính theo từng thành phố, Hà Nội vào top 200 trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu (với tổng 1,261 điểm), TPHCM đứng thứ 225 (với tổng 0,995 điểm).
Với Hội LHPN Việt Nam, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 939/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939), các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã và đang được triển khai, thực hiện tại các cấp Hội, theo cả chiều sâu và chiều rộng. Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của chị em về chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp, đặc biệt đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh doanh của các tầng lớp phụ nữ trong cả nước. 3 năm thực hện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (giai đoạn 2017-2020), đã có 33.426 phụ nữ xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh đề nghị Hội LHPN các cấp hỗ trợ. Qua đó, đã có 29.764 phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Bước sang năm 2021, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sẽ hướng tới hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng phụ nữ hơn. Trong đó, nội dung chính của năm nay sẽ tập trung hỗ trợ chị em phụ nữ nâng tầm sản phẩm OCOP; truyền thông và hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ yếu thế như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ hoàn lương khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh.
Trên toàn quốc, rất nhiều sân chơi khởi nghiệp đang được khởi tạo chào đón năm 2021, mở ra nhiều cơ hội để khởi nghiệp, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân sáng tạo trong tương lai.
Tận dụng những thuận lợi
Dù năm 2021 đến với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhìn từ góc độ kinh doanh, Covid-19 là một phép thử đặc biệt cho nền kinh tế thế giới, giúp con người nhìn rõ được điều gì đang hoạt động tốt hay chưa tốt và xu hướng của tương lai đầy biến động sẽ ra sao. Với những ai đang ấp ủ dự định khởi nghiệp, đây chính là "thời gian vàng" để thử sức mình. 3 thuận lợi khi khởi nghiệp trong "năm Covid-19", đó là:
- Thị trường nhân lực dồi dào: Dịch bệnh, suy thoái kinh tế vừa qua đã khiến nhiều lao động mất việc làm. Thị trường nhân lực dồi dào, bạn có thể tìm kiếm và lựa chọn được những người đồng hành cùng chí hướng và có kinh nghiệm, chuyên môn để góp sức vào các dự án khởi nghiệp của mình.
- Xu hướng trực tuyến hóa bùng nổ và tạo ra nhiều cơ hội cho những ý tưởng kinh doanh mới: Khởi nghiệp là tìm kiếm và phát triển những điều mới mẻ, biến thành cơ hội kinh doanh. Vậy đừng chần chừ gì nữa, nền kinh tế số bùng nổ mang đến cơ hội để bạn thâm nhập trong trạng thái bình thường mới. Trực tuyến lên ngôi cũng là cơ hội cho các start-up tiếp cận khách hàng, nhà đầu tư, công việc... đơn giản và ít tốn kém hơn, chỉ bằng một cú nhấp chuột.
- Đứng lên từ con số 0: Dịch bệnh khiến nhiều người buộc phải bắt đầu đứng lên từ con số 0, tạo ra những cuộc cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, thời gian dịch bệnh vừa qua hẳn đã cho các stat-up có dịp nhìn lại bản thân, nhận ra điểm mạnh, điểm yếu để nghiên cứu thị trường, suy nghĩ về việc kinh doanh. Vậy thì đây là cơ hội để bạn bước ra, quyết định phát triển những ý tưởng ấp ủ trở thành công việc kinh doanh, dành trọn vào đó những đam mê và nhiệt huyết của mình.