pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 việc tuyệt đối không làm khi tức giận
Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông tình cờ có được một chiếc ấm trà cổ làm bằng đất sét màu tím. Ông yêu ấm trà này đến mức đi ngủ cũng đặt ở đầu giường.
Một đêm nọ, khi trở mình trong lúc ngủ, ông vô tình làm rơi ấm trà xuống giường, nắp rơi xuống đất. Tỉnh dậy, thấy ấm trà nay không còn nắp, nghĩ rằng giữ lại ấm còn có ích gì, ông liền thất vọng ném ấm trà ra ngoài cửa sổ.
Rạng sáng, ông mới phát hiện chiếc nắp ấm kia vì rơi xuống trúng chiếc giày bông nên không hề hấn gì. Muốn khóc nhưng không khóc được, người đàn ông vừa giận vừa tiếc. Ông nghĩ ấm trà đã mất rồi, giữ lại nắp còn có ích gì nên đã đập vỡ tan tành. Thế nhưng khi bước ra ngoài, ông không ngờ khi ngẩng đầu lại nhìn thấy cái ấm trà tối hôm qua vứt ngoài cửa sổ đang mắc trên cành cây.
Câu chuyện này chắc hẳn khiến nhiều người không khỏi thở dài, tiếc cho chủ nhân của ấm trà và cũng dường như thấy được chính mình trong đó. Ông ta đã có 2 cơ hội để làm lại nhưng không nắm bắt mà hành động một cách mù quáng, cuối cùng chỉ còn sự hối hận khôn nguôi.
Nhìn lại, liệu có ai chưa từng mắc sai lầm “ấm trà tím” trong đời? Khi gặp khó khăn trong công việc, mắc phải sai lầm, bạn có quyết định nghỉ việc trong cơn tức giận và rồi nhanh chóng rơi vào tình cảnh khó khăn không?
Có câu: “Khi tức giận, chỉ số thông minh của một người bằng 0. Lúc này đưa ra quyết định chính là ngu ngốc nhất”.
Trước khi đưa ra quyết định, hãy cho bản thân thêm thời gian để bình tâm suy nghĩ. Rất có thể, nhiều chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác đi, tích cực hơn.
Vào thời Ngũ đại, Phùng Đạo và Hòa Ngưng là hai quan viên cùng triều, có mối quan hệ tốt đẹp. Một ngày nọ, Phùng Đạo xỏ đôi giày mới đến thăm Hòa Ngưng. Trùng hợp thay, 2 ngày trước Hòa Ngưng cũng nói người hầu mua một đôi giày có dáng như vậy.
Hòa Ngưng hỏi Phùng Đạo: "Đôi giày của anh bao nhiêu tiền?"
Phùng Đạo bình tĩnh nhấc chân phải lên nói: "Rẻ lắm, 500."
Hòa Ngưng nghe vậy nổi trận lôi đình, hướng về phía người hầu cho một cái tát, không ngừng mắng mỏ: "Giày giống hệt nhau mà nhà ngươi dám nói mua hết 1.000?"
Lúc này, Phùng Đạo mới chậm rãi nhấc chân trái lên nói: "Cái này cũng 500."
Hòa Ngưng sững người tại chỗ một lúc, xấu hổ không biết phải làm sao.
Đôi khi, điều chúng ta thấy chưa chắc là chân lý của sự việc. Nếu có thêm thời gian để nghiền ngẫm, để suy xét, rất có thể bạn sẽ nhận ra điều khác đi. Khi cơn tức giận bùng lên, mọi hành vi nóng vội và bốc đồng đều dễ khiến bạn mắc phải những sai lầm không thể sửa chữa.
Trong những năm đầu ở Alaska, một người đàn ông trẻ tuổi đã gặp phải biến cố lớn khi vợ anh qua đời vì chứng loạn sản, để lại đứa con thơ. Hàng ngày, anh phải vừa đi làm vừa phải chăm sóc con, cuộc sống khó khăn vô cùng. Anh quyết định nuôi một con chó, để nó vừa trông nhà, vừa bầu bạn với đứa trẻ.
Một ngày nọ, anh ghé thăm một người bạn sau khi đi làm về. Trên đường về nhà, không may gặp tuyết rơi dày đặc cản trở lối đi nên mãi đến sáng sớm hôm sau mới có thể về.
Vừa đẩy cửa bước vào, anh phát hiện trên sàn nhà có nhiều vết máu liền lao vào phòng ngủ. Con chó nằm bên cạnh giường, miệng đầy máu không ngừng sủa, đứa trẻ thì không thấy đâu. Cho rằng con chó đã cắn chết con mình, cơn tức giận bùng lên, anh vung gậy đánh con chó đến chết.
Sau đó, anh nghe thấy tiếng khóc yếu ớt từ gầm giường, ngó xuống thì thấy đứa trẻ đang nằm thu mình bên trong. Nhận ra mình có thể đã mắc sai lầm, anh đứng dậy và lần theo dấu máu thì thấy một con sói bị cắn chết trong nhà bếp.
Sự bốc đồng chính là con quỷ, bạn không bao giờ biết được cái giá mình phải trả nếu hành động phi lý trí.
Nhà văn Shakespeare từng nói: "Ai có thể giữ bình tĩnh trong nỗi kinh hoàng, vững vàng trong cơn thịnh nộ, tỉnh táo trong cơn giận dữ mới là anh hùng thực sự."
Đừng nói, đừng tranh cãi khi bạn tức giận. Cho bản thân thêm thời gian suy nghĩ, để giải quyết vấn đề thấu đáo hơn.
Tiến sĩ tâm lý Ronald từng nói: "Cơn giận dữ như bão tố thường kéo dài không quá 12 giây. Khi bùng lên, nó có thể phá hủy mọi thứ, nhưng sau đó sẽ nhanh chóng qua đi. Nếu bạn kiểm soát được 12 giây này, bạn có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực".
Người khôn ngoan thực sự biết đối phó với tâm trạng trước, sau đó mới xử lý vấn đề. Đầu tiên là phân tích tâm lý, sau đó mới phân tích tình hình.
Trong một cái hố sâu hàng trăm mét, một số thợ mỏ đang làm việc. Đột nhiên đèn họ bị trục trặc và tắt hết. Những người thợ mỏ rất hoảng sợ và vội vàng lần tìm xung quanh.
Lúc này, một thợ mỏ trấn tĩnh mọi người: “Thay vì tìm kiếm xung quanh trong hoảng loạn, chúng ta hãy ngồi lại xem có cảm nhận được luồng gió nào không. Gió nhất định phải từ miệng hố.”
Các thợ mỏ nghe thấy vậy cũng cố trấn tĩnh mình, ngồi xuống và cố gắng cảm nhận. Lúc đầu, không ai có cảm giác gì nhưng sau một lúc, các giác quan của họ trở nên nhạy bén hơn. Họ dần cảm thấy một làn gió nhẹ thổi vào mặt mình. Lần theo hướng gió, họ cuối cùng đã tìm thấy lối ra.
Dù phía trước là chuyện gì cũng cần bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Khi con người bị xáo trộn cảm xúc, lý trí và chỉ số thông minh có xu hướng giảm sút, dễ mắc sai lầm và không tìm ra lối thoát.
Khi bạn muốn nổi nóng, hãy bình tĩnh trong 12 giây hoặc tạm thời rời khỏi môi trường khiến bạn tức giận.
Khi mọi việc diễn ra không như ý muốn, đừng vội vàng đưa ra quyết định. Hãy cho bản thân 2 ngày để xoa dịu, điều chỉnh trạng thái và sau đó giải quyết vấn đề.
Không nói, không tranh cãi, không quyết định khi tức giận. Kiểm soát bản thân, tạm biệt những cảm xúc khó chịu, sống trong từng khoảnh khắc, bạn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp.