10 thói quen tưởng xấu mà thực sự tốt cho bạn

NGUYỄN HƯỜNG
25/05/2022 - 12:20
Sự thật là có một số thói quen vẫn bị gắn mác xấu có thể không xấu chút nào bởi nó thực sự tốt cho bản thân bạn.

Chúng ta có xu hướng nhóm các thói quen thành hai nhóm rõ ràng là tốt và xấu. Điều này nghe có vẻ rất bình thường và ổn song không phải lúc nào ranh giới phân chia cũng rõ ràng như vậy. Một số thói quen mà chúng ta vẫn cho là xấu trong hoàn cảnh thích hợp lại có thể thực sự tốt cho bạn.

Dưới đây là một số thói quen bạn có thể muốn suy nghĩ lại về định nghĩa tốt - xấu:

1. Trì hoãn

Trong thế giới mà chúng ta phải liên tục chạy với tốc độ tối đa, cố gắng đa nhiệm để làm được thật nhiều việc, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra bản thân mệt mỏi và căng thẳng đến thế nào. Đôi khi, điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân là gác lại mọi thứ và nhớ rằng không phải lúc nào chúng ta cũng cần vội vàng, gấp gáp đến vậy.

2. Buồn chán

Đa phần chúng ta không muốn chấp nhận sự buồn chán bên trong mình bởi chúng ta tin rằng nó phản ánh sự thiếu hụt các nguồn lực bên trong. Tuy nhiên, cảm thấy buồn chán có thể là con đường quan trọng dẫn bạn đến với những tư duy sáng tạo. Nó giúp bạn có được không gian cần thiết để giải quyết các vấn đề cũ với cách xử lý sáng tạo hơn, tìm tòi, phát triển những ý tưởng mới.

3. Nói lời từ chối

Chúng ta vẫn được nghe rằng việc nói không, từ chối ai đó là thể hiện sự ích kỷ. Nhưng thực tế thì nói có với mọi thứ có thể khiến bạn bị làm việc quá sức, thiếu hiệu quả và cảm thấy mệt mỏi.

Học cách từ chối lịch sự với những điều không quan trọng hay những điều bạn không muốn làm sẽ giúp bạn giải phóng thời gian cũng như sức lực, tập trung cho những điều thực sự quan trọng trong cuộc đời mình.

4. Làm ít hơn

Văn hóa làm việc ngày nay dường như luôn nhắc nhở bên tai rằng chúng ta cần luôn làm nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Nó khiến chúng ta cảm thấy rằng bản thân sẽ nhanh chóng bị tụt lại phía sau nếu không làm việc nhiều hơn nữa.

Hãy giữ mọi thứ trong giới hạn của bạn trước khi chúng có nguy cơ phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát. Học cách làm việc thông minh thay vì chỉ làm việc chăm chỉ và ủy quyền cho người khác.

5. Ngắt kết nối

Ngay cả khi bạn đã học cách từ chối, trì hoãn và làm ít hơn, bạn cũng không thể sạc lại năng lượng nếu vẫn luôn chìm trong các danh sách việc cần làm. Để thực sự có thể nạp năng lượng, tái tạo sức lao động, bạn cần những khoảng thời gian ngắt kết nối hoàn toàn.

Hãy để bản thân được thoải mái chìm vào một thế giới khác, nơi bạn tìm thấy sự bình yên, thoải mái. Đó có thể là chơi một vài bản nhạc, tô tranh hoặc thiền, đọc sách, đi bộ trong công viên… Bạn sẽ tràn đầy năng lượng hơn sau những khoảng thời gian ý nghĩa đó.

6. Mất bình tĩnh

Chúng ta vẫn thường được nói rằng bản thân không được mất bình tĩnh, phải quản lý cảm xúc của mình trong mọi tình huống. Tuy nhiên, có những lúc sẽ tốt hơn khi bạn trút bỏ tâm trạng của mình. Thay vì luôn cố nín nhịn và giữ cho đến ngày bạn phát nổ như một quả bom, việc mất bình tĩnh một chút sẽ là tốt hơn cho bạn về nhiều mặt.

7. Mơ mộng

Nhiều người cho rằng mơ mộng chính là biểu hiện của một dạng lười biếng. Tuy nhiên, để tâm trí mơ màng, lang thang nơi này nơi kia là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho chính mình.

Mơ mộng thực sự giúp bạn tăng cường khả năng giải quyết vấn đề. Điều này dù có thể làm tăng thời gian bạn cần để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt nhưng về lâu dài sẽ giúp bạn hiểu và giải quyết các vấn đề lớn hơn một cách hiệu quả.

8. Lộn xộn

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng môi trường lộn xộn có thể giúp ích cho năng suất, đặc biệt nếu công việc của bạn đòi hỏi sự suy nghĩ sáng tạo. Căn phòng với đồ đạc được sắp xếp gọn gàng có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu nhưng sự bừa bộn cũng có những cái hay riêng của nó, giúp bạn phát triển sự sáng tạo, thoát khỏi lối mòn.

9. Không yên một chỗ

Chúng ta vẫn nói rằng việc đứng ngồi không yên, cựa quậy nhúc nhích khi đang ngồi không phải là điều hay. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lắc lư trên ghế, gõ và lắc lư chân, thậm chí dùng ngón tay đánh trống có thể làm tăng sự trao đổi chất và đóng vai trò tích cực đối với thể chất tổng thể của chúng ta.

10. Ngủ dậy muộn

Nhiều người nghĩ rằng những người ngủ dậy muộn là lười biếng, thiếu động lực phát triển. Tuy nhiên, thực tế thì trong tuần nhiều người không thể ngủ đủ giấc và cuối tuần là lúc họ tranh thủ để ngủ bù.

Việc thiếu ngủ có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe như tăng cân, nguy cơ đột quỵ… Bởi vậy, đừng ép cơ thể mình phải từ chối những thứ nó cần. Tất nhiên, bạn không nên ngủ li bì cả ngày song cũng không cần phải cảm thấy tội lỗi khi tắt chuông báo thức và ngủ thêm một lúc nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm