30 năm ngày mất Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Hoa cúc xanh 'hát' lên điều đẹp đẽ

29/08/2018 - 11:03
Hình ảnh hoa cúc xanh trong thơ Xuân Quỳnh và trong kịch của Lưu Quang Vũ đều là những biểu tượng đẹp đẽ, lấp lánh, tràn đầy hy vọng giữa những bộn bề của đời sống. Hôm nay, tròn 30 năm ngày mất của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (29/8/1988 - 29/8/2018), mời bạn cùng chiêm nghiệm lại câu chuyện nhân văn này.

Xuân Quỳnh, người dấu yêu trong đời Lưu Quang Vũ, từng viết: “Hoa cúc xanh có hay là không có/Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa”. Hai câu thơ ấy như vọng âm xuyên suốt cả bài thơ Hoa cúc xanh của Quỳnh. Vọng âm ấy dành cho Vũ, người si mê hoa cúc xanh suốt đời, đã biến hoa cúc xanh trở thành một biểu tượng đẹp đẽ trong sáng tác kịch của Lưu Quang Vũ.

Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy chất chứa nhiều nỗi niềm trăn trở, thương mến, u buồn, nhưng cũng lấp lánh đâu đó giữa những lấm láp đời sống, là một cảm xúc êm ái của hy vọng.

1.jpg
Cảnh trong vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"

 

Hoa cúc xanh trên đầm lầy xoay quanh câu chuyện của 3 nhân vật: kỹ sư Lê Hoàng, cô giáo Thùy Liên, họa sĩ Nguyễn Vân. Họ vốn là 3 người bạn cùng lớn lên nơi làng quê yên ả, cùng trải qua những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ. Nhưng khi lớn lên, đời sống thành phố, sự ngột ngạt của “cơm áo gạo tiền” đã khiến họ thay đổi.

Lê Hoàng vì uất ức với tình yêu không được đáp lại của Liên, vì sự chán nản khi thấy 2 người bạn anh yêu thương, đã “biến chất”, nên bằng tài năng của mình, anh chế tạo ra 2 người máy, được cài đặt bởi ký ức của ngày xưa, được lập trình những nét tính cách hoàn mỹ nhất.

Anh tạo ra họ, để họ sống cạnh anh, phục tùng anh, yêu anh và cất giữ những điều đẹp đẽ nhất của thời thơ ấu mà anh luôn khắc khoải.

Lê Hoàng đã khiến cho đời sống gặp nhiều rắc rối. 2 người máy bỏ trốn, khi họ nhận ra rằng, họ chỉ là “ảo ảnh” của 2 người khác có thực trong đời. 2 người máy, họ khao khát được nhìn thấy những bông cúc xanh trên cánh đồng thuở nhỏ.

Những tình huống đan xen, trái ngược nhau giữa đời sống câu chuyện của Nguyễn Vân và Thùy Liên người máy, cùng với Nguyễn Vân và Thùy Liên ngoài đời thực, đã tạo nên một góc nhìn đặc sắc giữa con người ước mơ, khát vọng và con người trần trụi, oằn mình lên trong lam lũ, rồi dần dần đôi cánh ước mơ đã bị ghì sát đất.

Ở những cảnh huống ấy, vẻ đẹp đẽ của 2 con người “ảo ảnh” thật khiến ta cảm thấy bồng bềnh, say đắm. Khiến 2 con người đang sống ngoài đời thực kia, trở nên xấu xí, thô kệch với đầy những bất lực , những bế tắc, tham lam, ích kỷ, buồn chán.

Nhưng thế giới con người ấy, ở giữa những điều xấu xí ấy, Nguyễn Vân và Thùy Liên thực vẫn đang loay hoay, cố gắng để sắp xếp đời sống của mình, để theo đuổi ước mơ, để vùng thoát khỏi những tủn mủn mỏi mệt.

6.jpg
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh 

 

30 năm rồi, những con người hôm nay, khi xem lại vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy, có lẽ vẫn không khỏi bùi ngùi, bởi khán giả như được nhìn thấy chính bản thân mình trong vở kịch. Những con người chúng ta, hàng ngày vẫn đang cố gắng nuôi cất cho mình một đẹp đẽ, giữa những u buồn xấu xí này.

Tâm trạng khắc khoải, nỗi ám ảnh suốt đời của Vũ cũng chính là cái tốt lành của con người. Vũ đã bi quan, Vũ đã chán nản ấy nhưng ở Vũ, điều cuối cùng vẫn là nuôi nấng. Vũ cố gắng hết mình, dùng tài năng, dùng nghị lực của mình để nuôi nấng tốt lành.

Hoa cúc xanh trên đầm lầy, 2 người máy cuối cùng bởi vì tìm kiếm bông cúc xanh mà bị chết trong bùn lầy, nhưng đó có lại lại là cái kết thực nhất, đẹp nhất.

Bởi giữa đời này, con người vốn không nên vọng tưởng, vốn không nên viễn mộng. Chúng ta hãy cứ sống giữa đời, sống giữa xấu xa, mệt mỏi, những hãy tự mình tìm kiếm cho mình, nuôi dưỡng cho mình những điều đẹp đẽ nhất, để cuộc đời là một “vườn cây xanh mát”, dẫu cho “sau vô biên sẽ chỉ là vô biên” thì hãy sống cho “tận cùng năm tháng”.

Cái chết của 2 người máy cũng đã khiến Lê Hoàng bừng tỉnh giữa một cơn mộng của ký ức. Anh nhận ra rằng, ký ức tuổi thơ đẹp đẽ quá, nhưng giờ đây nó chỉ là một giấc mộng, vĩnh viễn có thể nhìn thấy nhưng không thể quay về, không thể chạm vào. Anh và 2 người máy kia đã bị ngăn cách bởi một lớp sương thời gian mờ ảo ấy. Nhưng Lê Hoàng cũng nhận ra, anh còn 2 người bạn Nguyễn Vân và Thùy Liên trong đời kia. Anh cũng giống như 2 con người ấy, đang loay hoay giữa thành phố này, dẫu bị chà đạp, vẫn khao khát được sống cho đẹp đẽ. Ấy cũng là điều cuối cùng ở lại, khiến bao người xem bâng khuâng.

Sân khấu vở diễn dàn dựng theo không gian phòng thí nghiệm với những trang thiết bị ưu việt, phục vụ quá trình nhân bản con người. Vở diễn Hoa cúc xanh trên đầm lầy qua sự diễn xuất của các tài năng sân khấu Chí Huy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Thu Trang, Bá Anh, Thanh Tú, Anh Thơ… Mỗi nhân vật đều được các nghệ sĩ thể hiện sắc sảo và đầy ám ảnh. Lê Hoàng ích kỷ, nhưng nhiều ẩn ức, luôn sống trong quá khứ đẹp đẽ, lưu quyến quá khứ mà hằn học với hiện tại, trong khi đó Nguyễn Vân tài năng, nhiều khao khát, lại cũng đầy dằn vặt, đau thương, hèn nhát; Thùy Vân coi trọng vật chất, nhưng cũng đáng thương, cô đơn.

Vở kịch được dựng lại cũng mang nhiều nét mới mẻ của không khí thời đại, khiến khán giả cảm thấy gần gũi và thích thú.

2.jpg
Vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng mang hơi thở hiện đại
 

Ra đời cách đây hơn 30 năm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy đã được Đoàn Kịch Hải Phòng dàn dựng lần đầu tiên những năm 80 của thế kỷ XX bởi đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi. Sau đó, cuối năm 2000, đạo diễn Đỗ Kỷ (Nhà hát Kịch Việt Nam) tiếp tục dựng lại vở diễn này và được khán giả đón nhận, tạo ra sự lan tỏa trong đời sống nghệ thuật.

Sức sống của Hoa cúc xanh trên đầm lầy nói riêng và kịch Lưu Quang Vũ nói chung một lần nữa được khẳng định, đạo diễn Sỹ Tiến (Nhà hát Tuổi trẻ) lựa chọn dựng lại từ tháng 10/2017. Cách đây không lâu, Hoa cúc xanh trên đầm lầy bản dựng của đạo diễn Sỹ Tiến và diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ đã có buổi diễn ra mắt khán giả và từ tháng 3/2018, vở diễn chính thức công diễn rộng rãi. Vở diễn cũng đã giành Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018.

Mới đây nhất, Hoa cúc xanh trên đầm lầy lại tái ngộ khán giả Thủ đô trong chương trình Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm