3.000 lao động nữ bị thiệt đến 10% lương hưu cần chính sách ưu tiên

26/12/2017 - 22:10
Từ 1/1/2018, khoảng 3.000 lao động nữ bị giảm lương hưu từ 6% đến 10% so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu trong năm 2017. Nhiều chuyên gia đề xuất phương án nhằm kịp thời giảm thiệt thòi cho số lao động nữ này.
luong-huu-lao-dong-nu.jpg
Khoảng 3.000 lao động nữ bị giảm lương hưu từ 6% đến 10% (ảnh minh họa)

 

Sáng nay 26/12, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tháng 12. Việc điều chỉnh tỷ lệ lương hưu của lao động nữ khi nghỉ hưu từ năm 2018 áp dụng từ 1/1/2018, thực hiện theo Luật BHXH 2014, sẽ tác động tới khoảng 3.000 lao động nữ bị giảm lương hưu từ 6% đến 10% so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu trong năm 2017.

BHXH Việt Nam cho biết, theo Luật BHXH năm 2014, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ khi về hưu từ 1/1/2018 sẽ được tính theo công thức: 15 năm đầu đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45%, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tiếp theo được tính thêm 2% (trước năm 2018 là 3%). Để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu là 75%, lao động nữ phải có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội thay vì 25 năm như trước năm 2018. 

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, cho biết: năm 2018 sẽ có khoảng 49.700 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ chưa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm, tương ứng với 43% lao động nữ nghỉ hưu.

Đặc biệt, có 3.000 lao động nữ phải chịu tác động và thiệt thòi khi lương hưu giảm từ 6% đến 10%.

Trước đó, BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH và các tổ chức, đoàn thể đã có tham mưu, kiến nghị với Chính phủ có đề xuất tới Quốc hội về phương án sửa đổi quy định điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu của nữ có lộ trình như nam giới thay vì áp dụng ngay. Ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết: “Thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh luật hay không là của Quốc hội. Đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội chưa nhận được thông báo nào về việc thay đổi quy định cách tính lương hưu của lao động nữ”. 

Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: Trong lúc chờ quyết định của Quốc hội, BHXH Việt Nam cũng có đề xuất phương án nhằm giảm thiệt thòi cho lao động nữ bị ảnh hưởng của quy định này. Cụ thể, đề xuất phương án tăng lương hưu thì ưu tiên những lao động nữ thuộc đối tượng tác động của Luật BHXH theo hướng bị thiệt thòi.

lao-dong-nu.jpg

 


Tại buổi tọa đàm mới đây, nêu quan điểm về phương án giảm thiệt thòi cho lao động nữ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Không nên sửa luật và nếu sửa cũng không kịp, bởi quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2018”. Cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp kịp thời để giảm sốc, không để lao động nữ bị thiệt thòi khi áp dụng quy định này.

Phương án khả thi và có thể thực hiện kịp thời, theo ông Lợi, là Bộ LĐ- TB&XH đề xuất Chính phủ, trong năm 2018, khi điều chỉnh tăng lương khu vực Nhà nước thì tăng lương hưu cho người lao động nhưng tùy từng nhóm đối tượng. Trong đó, mức tăng sẽ ưu tiên cho đối tượng có lương hưu dưới 1,3 triệu đồng, để bằng 1,3 triệu đồng/tháng, những ai dưới 2 triệu đồng để bằng 2 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, cần chú trọng ưu tiên cho nhóm khoảng 3.000 lao động nữ bị tác động giảm 6% đến10% lương hưu trong năm 2018. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm