pnvnonline@phunuvietnam.vn
37 phụ huynh đồng loạt nộp đơn yêu cầu Hiệu trưởng đuổi 1 học sinh
Ảnh minh họa
Hiệu trưởng Wang của một trường Tiểu học trọng điểm ở Quý Dương (Trung Quốc) đã nhận được "đơn thỉnh cầu chung" từ 37 phụ huynh. Họ yêu cầu nhà trường đứng ra thuyết phục phụ huynh một học sinh 7 tuổi ở lớp số 3 cho con rời trường.
Điều gì đã xảy ra? Nhiều người phỏng đoán, để toàn thể phụ huynh có sự đồng lòng như vậy thì em học sinh này hẳn đã phạm phải một sai lầm rất lớn. "Cô bé đã ăn trộm à? Hay đánh đập và lăng mạ bạn cùng lớp? Hoặc em đã có một hành vi xấu, trái đạo đức nào đó?", một số ý kiến phỏng đoán.
Thật ra, căn nguyên của mọi mâu thuẫn nằm ở bài tập về nhà. Việc "đuổi học" là do cô bé không hoàn thành bài tập tiếng Trung.
Mâu thuẫn từ một bài tập về nhà
Một lần, cô bé không làm xong bài tập về nhà. Hiệu trưởng yêu cầu em lên văn phòng để chép phạt. Nhưng bé gái 7 tuổi này lại mắc bệnh hen suyễn, trưa hôm đó về nhà hơi mệt rồi phát ốm. Mẹ của em cho rằng gánh nặng học tập là nguyên nhân gây ra căn bệnh này nên đã gọi điện cho giáo viên để phàn nàn.
"Có quá nhiều bài tập về nhà đối với một đứa trẻ như vậy", chị nói. Câu trả lời của giáo viên rất bất ngờ: "Không chịu nổi thì chị có thể chuyển đi. Đừng đến trường chúng tôi nữa, đừng vào lớp tôi học".
Trước mâu thuẫn giữa hai bên, ngày hôm sau, 37 phụ huynh trong lớp đã tạo 1 nhóm nhỏ có tên Ủy ban Phụ huynh, không có mặt cha mẹ của bé gái. Họ mời giáo viên chủ nhiệm làm trưởng nhóm. Sau đó, các thành viên này liệt kê từng bằng chứng một về sự không hợp tác của phụ huynh nữ sinh 7 tuổi.
Cha mẹ của em đã "phá hỏng" không khí lớp học khi không cho con tham gia buổi lễ Đội Thiếu niên Tiền phong, ảnh hưởng đến danh dự của lớp; Gia đình không muốn mua quà cho giáo viên; Phản đối trẻ tăng cường bài tập sau giờ học và việc giáo viên phê bình trẻ; Quấy rối Hiệu trưởng trước đây và hiện tại thông qua WeChat và các cuộc điện thoại.
Nếu như lúc đầu chỉ là mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên thì sự xuất hiện của nhóm Ủy ban phụ huynh này khiến mọi chuyện nghiêm trọng hơn. Đáng nói, trong nhóm có cả Hiệu trưởng nhưng người này không hề lên tiếng.
Các thành viên trong nhóm đã kêu gọi tất cả phụ huynh cùng ký vào lá thư chung yêu cầu cha mẹ nữ sinh chuyển trường cho con. Lần kiến nghị chung đầu tiên không thành công.
Sau đó, có lần mẹ của em nữ sinh xin vào trường đón con nhưng nhà trường từ chối. Chị lo lắng con mình sẽ bị bắt nạt nên trèo qua cổng vào trường khiến xung đột càng thêm căng thẳng.
Ủy ban Phụ huynh viết một lá thư khác. Lần này, ngoại trừ mẹ của nữ sinh, chỉ có một phụ huynh trong lớp từ chối ký. Hai đơn kiến nghị được giao cho nhà trường, cô bé buộc phải nghỉ học. Một đứa trẻ 7 tuổi trở thành nạn nhân trong "cuộc chiến giáo dục".
Giáo viên đơn giản chỉ cần nói "Thể chất của mỗi đứa trẻ là khác nhau, từ nay tôi sẽ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh bài tập về nhà. Cảm ơn tất cả các bạn" để có thể ổn định tình hình. Nhưng người thầy được phong danh hiệu "Giáo viên nổi tiếng cấp thành phố" này lại không nói gì.
Rõ ràng, Ủy ban Phụ huynh tồn tại để giải quyết những mâu thuẫn giữa cha mẹ và nhà trường. Tuy nhiên, họ đã thành lập một nhóm riêng để cô lập và chia rẽ mọi người.
Sau khi con nghỉ học, mẹ nữ sinh đã làm đơn trình báo lên cấp trên. Nội dung là Hiệu trưởng đã xúi giục ban phụ huynh thành lập nhóm riêng, nhận quà, cô lập học sinh. Không ai nhớ rằng nguyên nhân của mọi chuyện chỉ là bài tập tiếng Trung chưa làm xong mà thôi!
Chỉ vì dám "đi ngược đám đông"
Mẹ của nữ sinh nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông: Không đi theo đám đông mới là nguyên nhân thực sự khiến con bị đuổi học. Hầu hết phụ huynh trong lớp đều cảm thấy giáo viên nên giao nhiều bài tập về nhà. Trẻ sẽ viết suốt ba bốn tiếng đồng hồ mỗi đêm.
Thầy giáo nói: "Nếu điểm của con dưới 95 thì không được coi là xuất sắc". Phụ huynh rất đồng tình. Để con đạt điểm cao hơn, họ thậm chí còn công khai cho phép giáo viên dùng bạo lực với con mình trong nhóm phụ huynh.
Nhưng mẹ của cô bé cho rằng như vậy sẽ khiến con mình cảm thấy chỉ có điểm số mới mang lại cảm giác thành công. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến trẻ. Một Hiệu trưởng coi trọng nền giáo dục thiên về thi cử và một phụ huynh ủng hộ nền giáo dục hạnh phúc, chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn do triết lý giáo dục khác nhau.
Chị cũng phản đối việc các thành viên trong Ủy ban phụ huynh ra vào trường theo ý muốn, trong khi các phụ huynh khác chỉ có thể đợi bên ngoài khuôn viên; Chị cho rằng những đứa trẻ còn tuổi ăn tuổi chơi thì sức khỏe tốt và sự vui vẻ là điều quan trọng hơn điểm số...
Những sự phản đối này đã phá vỡ sự "bình yên" trong trường và làm tan vỡ kỳ vọng của phụ huynh về nền giáo dục trọng điểm số. Chị đã trở thành cái gai trong mắt giáo viên và phụ huynh khác.
Được biết, sau khi nhận đơn kiến nghị của phụ huynh này, Phòng Giáo dục thành phố Quý Dương phát hiện thầy giáo có những hành vi như nhận quà của Ban phụ huynh, đồng ý tham gia vào việc tẩy chay học sinh.
Theo đó, Phòng Giáo dục đã thông báo phê bình giáo viên trên toàn huyện, hủy danh hiệu "Giáo viên nổi tiếng cấp thành phố"...
Sự việc xảy ra năm 2021 nhưng hiện đang được các trang mạng Trung Quốc đăng tải lại nhân dịp đầu năm học.