4 cách áp dụng ngay để con không bị nhiễm lạnh trong mùa đông

10/01/2017 - 10:00
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, khoa Khám bệnh (BV Nhi TƯ), cho biết, mùa đông thường mưa lạnh, hanh khô, khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh như viêm họng, cảm sốt, ho khan… Để giúp con hạn chế mắc bệnh, cha mẹ cần thực hiện mốt số giải pháp sau đây.
Tránh bị nhiễm lạnh

Cha mẹ cần cho bé mặc đủ ấm, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ và đầu, hạn chế đưa trẻ ra ngoài. Nếu bé ra đường, thì ngoài mặc ấm, cần cho bé đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm để che kín được cả đầu lẫn mặt, cằm, tránh trẻ bị lạnh gây bệnh về đường hô hấp trên như viêm mũi, họng.

Ngoài ra, không nên cho bé ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Trong nhà cần đóng kín các cửa, các khe, lỗ hở, tránh gió lùa. Nếu có điều kiện thì dùng lò sưởi, nhưng tránh sưởi bằng lò than tổ ong, vì có thể gây ngộ độc khí. Trường hợp dùng điều hòa thì không nên để nhiệt độ trong phòng ngủ quá thấp, thông thường trong khoảng 25-27 độ C.
giu_am_cho_tre.jpg
Mặc ấm cho trẻ trong mùa đông là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Điều trị sớm và triệt để

Khi bé bị viêm đường hô hấp trên, cha mẹ hãy điều trị sớm và triệt để, tránh nhiễm trùng lan xuống phế quản, phổi. Ví như khi bé bị viêm mũi, mũi của trẻ bị chất tiết làm tắc, trẻ sẽ thở bằng miệng. Như vậy, không khí trẻ hít thở vào khí quản, phổi sẽ không được sưởi ấm và lọc sạch nên bé dễ bị viêm phế quản, viêm phổi. Vì vậy, phụ huynh cần rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý natri clorua 9‰; cho trẻ nằm nghiêng, đầu kê một chiếc khăn mặt bông to, bơm nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào lỗ mũi ở phía trên dần dần sao cho dịch trong lỗ mũi đó chảy ra lỗ mũi phía dưới. Khi thấy dịch mũi chảy ra thì lấy khăn giấy hoặc khăn vải mềm lau sạch, hoặc hút nhẹ dịch, chất tiết ra.

Vệ sinh thân thể

Mùa đông, cha mẹ không nên đóng bỉm suốt ngày đêm cho trẻ mà nên thay tã hoặc bỉm liên tục để da trẻ khô, thoáng. Ngoài ra, cha mẹ phải tắm thường xuyên cho bé để cơ thể bé được sạch sẽ. Khi tắm, phụ huynh cần pha nước đủ ấm, tắm trong phòng kín, có đèn sưởi thì càng tốt. Mỗi lần tắm cho bé không quá 10 phút.

Chế độ dinh dưỡng

Để cơ thể bé có sức đề kháng trong mùa đông, cha mẹ tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu năng lượng cho bé như thịt, ngũ cốc, trứng, cá, sữa…; những thực phẩm có tính nhiệt (hành, hẹ, tỏi…); các loại thực phẩm giàu vitamin tự nhiên (rau, củ xanh, trái cây tươi…); cho trẻ sử dụng thức ăn nấu chín kỹ, uống sôi; ăn hoặc uống các đồ ấm, hạn chế các những thực phẩm trong tủ lạnh.

Với trẻ lớn, có thể cho uống thêm trà gừng nóng, nước chanh mật ong nóng; cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, giúp bé có thể ăn được nhiều hơn, hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
images957580_giu_am_cho_tre.jpg
Khi trẻ ra đường, phải mặc kín để tránh gió
Khi bé có các dấu hiệu khác thường như: Ho, sốt, khạc đờm, khó thở, đau ngực…, cha mẹ phải đưa con tới các cơ sở y tế để được xác định bệnh và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng, có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho bé. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm