pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 hành vi mua sắm để chi tiêu khoa học hơn
Tại sao doanh số bán son môi lại tăng đột biến khi nền kinh tế đi xuống?
Bỏ thói quen mua cà phê mỗi ngày thực sự giúp bạn mua được một chiếc xe hơi?
Mua đồ giảm giá, thực tế là bạn đang chi tiêu nhiều hơn?
Và còn nhiều hơn thế nữa. Trong bài viết này chúng ta hãy nói về những kiến thức mua sắm nhiều người vẫn chưa biết.
01.
Mua sắm giảm giá làm bạn mất nhiều tiền hơn
Có hai nút màu đỏ và xanh lam trước mặt bạn. Nếu nhấn nút màu đỏ, 100% bạn sẽ nhận được 1 triệu tiền mặt. Nếu bạn nhấn nút màu xanh dương, bạn có 1 nửa cơ hội nhận được 3 triệu tiền mặt và 50% cơ hội không nhận được đồng nào.
Chỉ có thể chọn 1 cái, bạn sẽ chọn màu đỏ hay màu xanh?
Trên thực tế, nói về mặt toán học, tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cho các nút màu đỏ và xanh dương là:
Đỏ: 1 triệu x 100% = 1 triệu
Xanh dương: 3 triệu x 50% 0 x 50% = 1,5 triệu
Rõ ràng màu xanh dương có tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng cao hơn, có nghĩa là nhấn nút màu xanh dương sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Nhưng nhiều người lại chọn màu đỏ hơn vì nếu nhấn màu xanh có thể không nhận được 1 triệu tiền mặt.
Trước những đợt giảm giá, chúng ta sẽ có suy nghĩ bây giờ mình không mua thì sau này bỏ thêm tiền mua, như vậy chẳng phải là lỗ sao?. Dẫn đến việc mua nhiều đồ không thiết yếu.
Các nhà bán lẻ biết rất rõ điều này và thực hiện các hoạt động giảm giá liên tục. Nhiều nhãn hàng còn tăng giá sản phẩm trước khi giảm giá để đánh lừa người tiêu dùng, kích thích nhu cầu mua dù sự thực là giá giảm chẳng được bao nhiêu, hoặc bằng 0.
02.
Những khoản chi tiêu bốc đồng
Bất kỳ hành vi mua hàng nào được quyết định bởi các yếu tố bên ngoài mà không có kế hoạch trước đều được gọi là chi tiêu bốc đồng. Thực ra ai cũng biết, cách chi tiêu này sẽ làm tiêu hao tài sản của mình, nên tránh càng xa càng tốt. Nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi những lúc không kiềm chế được bản thân.
Ví dụ đơn giản: Bạn muốn đi siêu thị mua nguyên liệu nấu ăn. Bỗng nhiên bạn ngửi thấy mùi thơm của trà sữa, chạy đến mua một cốc. Đây là chi tiêu bốc đồng.
Ví dụ khác, bạn vừa mua 5 bộ quần áo. Nhưng hôm qua trên đường về nhà, nghe thấy tiếng loa của cửa hàng “giảm giá 30%” và không thể cưỡng lại được. Việc mua sắm này chỉ khiến bạn tốn thêm khoản tiền đáng ra không cần phải tiêu thay vì tiết kiệm như bạn vẫn tưởng.
03.
Những khoản chi "Latte factor"
Bạn đã từng bao giờ đặt câu hỏi rằng: "Tôi không mua đồ xa xỉ, cũng ít mua mỹ phẩm, thu nhập không thấp nhưng hàng tháng không tiết kiệm được đồng nào cả. Rốt cuộc tiền của tôi bay đi đâu hết rồi?".
Có phải mỗi ngày bạn đều uống một cốc cà phê hay không? Lý do là vì nó giúp bạn tập trung làm việc? Thử tính toán theo giá của Starbucks, 1 cốc cà phê có giá 80.000 đồng. Mỗi ngày 1 cốc như thế, 1 tháng bạn tốn 2,4 triệu. 1 năm sẽ tốn 29 triệu.
Nếu chồng bạn cũng như vậy, hai người 1 năm sẽ tốn 58 triệu. 5 năm sẽ tốn 300 triệu. Số tiền này đủ để mua một chiếc xe ô tô của Hyundai Grand, Kia Morning, Toyota Wigo, Mitsubishi Attrage...
Mọi người đều có một số chi phí phải chi hằng ngày theo thói quen, chẳng hạn như phí khi rút tiền liên ngân hàng, một tách trà sữa hoặc cà phê mỗi ngày, đồ ăn nhẹ mỗi ngày…
Những khoản chi này được gọi là "Latte factor" - số tiền nhỏ mà chúng ta thường không chú ý đến.
Cái cách mà các thương gia sử dụng để "bẫy" người tiêu dùng chính là những khoản chi nhỏ nhưng thường xuyên.
Đây là lý do tại sao, tiền lương của bạn rất cao, nhưng bạn luôn cảm thấy thiếu tiền.
"Latte Factor" - giống như một tên trộm, làm rỗng túi tiền của bạn trong vô thức.
04.
Hiệu ứng son môi (Lipstick Effect)
Thuật ngữ "hiệu ứng son môi" xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc suy thoái kinh tế diễn ra trong giai đoạn từ năm 1929 đến năm 1933 tại Hoa Kỳ. Lúc đó, thu nhập của người dân giảm sút nên họ sẽ từ bỏ các khoản tiêu dùng cao như mua bất động sản, ô tô, hàng xa xỉ.
Bằng cách này, sẽ có thêm “chút tiền dư dả”. Để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng sẽ chuyển sang mua một số sản phẩm không thiết yếu với đơn giá thấp hơn, chẳng hạn là mỹ phẩm rẻ hơn như son môi.
Hiệu ứng son môi là khi người tiêu dùng vẫn chi tiền cho những khoản chi tiêu nhỏ thuộc về sở thích trong thời kì suy thoái kinh tế hoặc khi cá nhân họ có ít tiền mặt.
Họ không có đủ chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ lớn. Tuy nhiên, hầu hết vẫn dành tiền mặt để chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ nhỏ, chẳng hạn như son môi cao cấp. Vì lí do này, các công ty được hưởng lợi từ hiệu ứng son môi có xu hướng phục hồi ngay cả trong thời kì suy thoái kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, doanh số bán hàng nửa đầu năm của L'Oreal tăng 5,3%. Đây là một trong những tác động của hiệu ứng son môi.
Bạn có thể xem lại những ngày đầu của đợt dịch năm ngoái sẽ thấy mình đã mua nhiều món hàng hóa nhỏ có "giá rẻ và không cần thiết" hơn bình thường? Hiệu ứng son môi đã trở thành một công thức trong ngành công nghiệp mua sắm. Hãy tưởng tượng rằng khi kinh tế đi xuống, sản phẩm của họ vẫn được bán nhiều hơn. Nghe hấp dẫn phải không?
4 kiến thức nho nhỏ về hành vi tiêu dùng đã kết thúc, hy vọng có thể truyền cảm hứng cho bạn về việc tiêu dùng hàng ngày. Kiếm tiền đã khó mà chi tiêu hợp lý còn khó hơn.
Theo 360doc