4 kinh nghiệm truyền thông về sức khỏe sinh sản ở vùng đồng bào có đạo

02/11/2018 - 10:24
Không sử dụng cụm từ “kế hoạch hóa gia đình”, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc, cha xứ, hội hiền mẫu, tuyển cộng tác viên đặc thù, lồng ghép các hoạt động vào buổi lễ sinh hoạt tôn giáo… - đó là những cách mà một địa phương có đông đồng bào có đạo ở Tây Nguyên đang thực hiện trong truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

“Có khuyến khích sinh nhiều con, chúng tôi cũng không muốn nữa”

Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tươi (SN 1961) ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Đây là xã nằm cách trung tâm huyện khoảng 3 km về phía nam với dân số hiện nay là 9.987 người tại 8 thôn, buôn; trong đó có 2 buôn đồng bào dân tộc và 06 thôn người Kinh cùng đặc thù là có tới 92% đồng bào có đạo bao gồm Công giáo, Tin lành...

Cô Nguyễn Thị Tươi cho biết: “Trước đó ở thôn tôi đời sống của bà con rất khó khăn. Nhiều hộ nhà nghèo, đông con. Nhiều nhà sinh tới 5-6 đứa, hộ nhiều nhất là 8 đứa. Tuy nhiên, khoảng 5-6 năm gần đây, tình hình này đã thay đổi hẳn. Nhiều chị em nhất là những người trong các gia đình trẻ, tuy đang trong độ tuổi sinh đẻ nhưng đã thay đổi quan điểm liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục. Có những chị em đã bảo bây giờ có khuyến khích đẻ nhiều chúng tôi cũng không muốn nữa. Mọi người tích cực tham gia các cuộc vận động thăm khám sức khỏe, tự nguyện thực hiện nhiều biện pháp tránh thai như dùng thuốc, bao cao su, đặt vòng…, có rất ít hộ sinh con thứ 3 trở lên; các gia đình có ý thức sinh con có trách nhiệm, tập trung làm kinh tế, đầu tư học hành, chăm sóc con cái nên đời sống người dân khấm khá hẳn lên, hiện trong thôn chỉ còn có 3 hộ nghèo, có nhiều gia đình đã có điều kiện cho con đi du học…”.

4.jpg
Cô Nguyễn Thị Tươi (phải) vừa là giáo dân, vừa là cộng tác viên dân số tích cực của thôn Đông Sơn

Cũng ở xã Hòa Hiệp, chị Bùi Thị Thu Hường (SN 1976) ở thôn Hiệp Tân cho biết: “Vợ chồng tôi sinh được 2 con, đứa sinh năm 1996, đứa sinh năm 1998. Cũng có lúc nghe người này người kia bảo nên sinh thêm đứa nữa cho đông con, vui cửa vui nhà nhưng tôi quyết định thôi không đẻ nữa. Qua những buổi truyền thông, vận động của các cán bộ dân số, tôi hiểu và tự thấy chỉ nên sinh 2 con là rất tốt và đủ rồi. Tôi đã tình nguyện đi tiêm thuốc tránh thai được 10 năm. Hiện, các con tôi khỏe mạnh, học tốt, kinh tế gia đình cũng ổn định, mà không chỉ riêng tôi, hầu hết chị em trong thôn hiện đều có kiến thức và ý thức trong vấn đề này để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”.

ds.JPG
Cán bộ tư vấn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Ảnh minh họa: Mỹ Dung

 

Phải tính đến tính đặc thù trong truyền thông 

Đó là chia sẻ kinh nghiệm của ông Phạm Huy Nhân - Giám đốc Trung tâm dân số huyện Cư Kuin. Theo ông Nhân: “Với đặc thù là vùng gần như có tôn giáo toàn tòng, chúng tôi hiểu rằng các kế hoạch truyền thông, vận động liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục, kế hoạch hóa gia đình ở nơi đây phải có nhiều điểm khác biệt so với các địa bàn khác và những sáng tạo”. Cụ thể:

Trước hết, với đồng bào có đạo, trong chỉ đạo truyền thông, ngành dân số huyện/xã và chính quyền nơi đây đã tính đến yếu tố “tôn trọng giáo lý”. Giáo lý có quy định sinh đẻ theo tự nhiên và sinh đẻ có trách nhiệm, vì vậy khi triển khai các hoạt động liên quan đến dân số trên địa bàn, đều tránh không nói đến cụm từ “sinh đẻ có kế hoạch” mà chỉ nói đến cụm từ “sinh đẻ có trách nhiệm”.

Tiếp đó là đẩy mạnh công tác truyền thông theo chủ trương truyền thông theo phương châm mưa dầm thấm lâu với các hình thức đa dạng: Tổ chức truyền thông theo nhóm 4 năm gần đây được hơn 200 cuộc với hơn 2.400 lượt người tham gia; Tổ chức chiến dịch truyền thông (trung bình 4-6 đợt/năm/đủ 8 thôn trong xã) giới thiệu các sản phẩm về tránh thai hiện đại để đồng bào biết và chủ động lựa chọn; Xây dựng chương trình riêng về vận động chuyển đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục, sinh đẻ có trách nhiệm… riêng trên loa phát thanh xã, đưa các gương người tốt việc tốt, biểu dương gia đình có đạo trên địa bàn ít con thành đạt, làm kinh tế giỏi…  với thời lượng 15-20 phút/lần phát; Treo 12 pano, áp phích, tờ rơi tại các trục đường chính của thôn, buôn; Thành lập các câu lạc bộ ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền trong đồng bào có đạo; Lập danh sách truyền thông riêng với gia đình có phụ nữ có ý định sinh con thứ 3 trở lên; Tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình được 331 hộ…

Tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các già làng trưởng bản, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng… qua đó lồng ghép được các nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách về dân số và phát triển, vận động các gia đình có đạo sinh đẻ có trách nhiệm trong các buổi lễ, sinh hoạt tôn giáo tại 3 giáo xứ, 1 giáo họ một cách sâu rộng, hiệu quả qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào…

Sau cùng là việc lựa chọn cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, nòng cốt, có uy tín ngay tại địa bàn, là chính những người trong đồng bào có đạo, là người phụ trách Hội hiền mẫu trong nhà thờ... qua đó có được sự thuận lợi trong triển khai các hoạt động, tiếp cận, truyền thông hiệu quả…

 

hh.jpg
Hoạt động triển khai công tác dân số và phát triển tại UBND xã Hòa Hiệp tháng 10/2018

 

Kết quả, tính đến tháng 9/2018, xã Hòa Hiệp đã thực hiện 100% kế hoạch giao về các biện pháp tránh thai (tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của Hòa Hiệp chiếm 71,23%); Đời sống của phụ nữ, trẻ em và đồng bào ngày một nâng lên; Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm rõ rệt, từ 11,5% năm 2015 xuống còn 6,31% năm 2017 và trở thành địa bàn đạt và hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2017, là điểm sáng của huyện Cư Kuin về công tác dân số và phát triển, xóa đói, giảm nghèo… 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm