pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 thói quen nhỏ nhưng dễ gây rối loạn chu kỳ và đau bụng khi “đèn đỏ”
Ảnh minh họa
Không thể phủ nhận rằng kỳ kinh nguyệt là khoảng thời gian khó chịu, thậm chí gây khổ sở cho rất nhiều chị em phụ nữ. Nhưng giống như tử cung, kỳ kinh nguyệt tạo ra sự khác biệt về giới tính và quyết định khả năng sinh sản của phụ nữ. Nếu chu kỳ này bị rối loạn, thậm chí không đến thì chứng tỏ khả năng sinh sản, sức khỏe của chị em rất có thể gặp vấn đề.
Trong khi đó, kỳ kinh nguyệt nói riêng và sức khỏe sinh sản nói chung ở phụ nữ lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt, vô hại. Nếu không muốn bị rối loạn chu kỳ, đau đau bụng kinh dữ dội và tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa thì hãy tránh xa hoặc bỏ ngay 4 thói xấu sau đây nhé:
1. Căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực
Có thể bạn chưa biết, stress trong 1 thời gian dài cũng có thể gây rối loạn hormone trong cơ thể. Đây là lý do các chị em hay cáu gắt và tức giận khi bị căng thẳng, nhất là vào thời kỳ kinh nguyệt. Người thường xuyên bị stress, suy nghĩ tiêu cực có thể bị chậm kinh hoặc mất kinh kèm theo chứng đau bụng dữ dội đồng thời lượng kinh nguyệt ra thất thường hơn so với người khác.
Ảnh minh họa
Không những thế, khi bị stress hoặc tiêu cực kéo dài, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone corticoid để đối phó với tình trạng căng thẳng. Nguy hiểm là hormone này gây ức chế hệ thống miễn dịch, từ đó làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây ung thư. Hormone này cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát cơn đau từ hệ thần kinh, khiến chị em luôn cảm thấy cơn đau bụng kinh dữ dội hơn mỗi kỳ “đèn đỏ”.
2. Thường xuyên thức khuya
Thức khuya nhiều là nguyên nhân phổ biến gây ra kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, thậm chí là mất kinh nguyệt, mãn kinh sớm.
Bởi vì trong thời gian ngủ, cơ thể bài tiết ra hormone cân bằng, tránh rơi vào trạng thái rối loạn nội tiết. Nếu thường xuyên thức khuya hay ngủ không đủ giấc sẽ khiến estrogen thiếu hụt hoặc mất cân bằng, gây ra rối loạn kinh nguyệt và tăng nguy cơ u xơ tử cung.
Ngoài ra, việc thức khuya còn làm tăng tiết Cortisol trong cơ thể gây căng thẳng và đau bụng kinh, các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn. Thức khuya còn ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch, hệ thống tiêu hóa, gây viêm loét dạ dày, giảm thị lực, tim mạch và rất nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm khác.
3. Hay mặc đồ hở eo và rốn
Các trang phục hở rốn, khoe eo tuy rất thời trang nhưng lại không tốt cho sức khỏe, về lâu dài còn hại tới hệ thống sinh sản. Bởi Y học cổ truyền cho rằng khu vực bụng chứa 2 huyệt quan trọng là huyệt Quan nguyên và huyệt Khí hải.
Huyệt Khí hải nằm ở vị trí bên dưới rốn khoảng 2 đốt ngón tay, là nơi tụ hội nguyên khí bẩm sinh, đồng thời nó nối liền giữa mạch Nhâm và mạch Xung, mạch Nhâm chủ thai nghén, mạch Xung là huyết hải, đều là kinh mạch then chốt của sinh lý phụ nữ.
Còn huyệt Quan nguyên quyết định sức khỏe của thận, thường xuyên để hở có thể dẫn tới thận khí suy giảm, khí lạnh xâm nhập mà dẫn tới kinh nguyệt không đều, băng kinh, khí hư bạch đới, hiếm muộn… Đương nhiên, nếu mặc đồ hở bụng vào ngày “đèn đỏ” thì khó tránh khỏi lạnh bụng, đau bụng kinh, kinh nguyệt rối loạn.
4. Thích ăn đồ uống đồ lạnh
Y học cổ truyền cho rằng đau bụng kinh chủ yếu là do khí huyết ngưng trệ, không lưu thông gây nên. Kinh nguyệt là do máu được sinh hoá, máu lưu thông theo khí, khí huyết hưng thịnh, khí huyết điều hoà, hành kinh lưu thông thì không có bệnh đau kinh. Nhưng các đồ lạnh có tính chất âm hàn, hàn thấp, ăn nhiều khiến huyết mạch không thông và ngưng trệ sinh ra đau. Nhất là nếu ăn uống đồ lạnh trong những ngày “đèn đỏ”.
Bởi lúc này cơ thể đang bài trừ độc tố, nếu ăn đồ lạnh sẽ dẫn đến khí huyết không thông, lưu thông máu kém dẫn đến lượng kinh nguyệt giảm. Lượng kinh nguyệt bị giảm đi khiến quá trình đào thải độc tố bị dừng lại, các chất độc sẽ tích tụ lại trong cơ thể, từ đó làm đau bụng kinh tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
Tình trạng này phổ biến nhất ở nữ giới trong tuổi dậy thì, mới có kinh nguyệt hoặc chị em tuổi dưới 30. Ngoài ra, ăn các thực phẩm có tính hàn như như bí đao, dưa chuột, hải sản, rong biển… hay tắm nước lạnh, dầm mưa trong kỳ kinh nguyệt cũng là nguyên nhân mắc chứng đau bụng kinh mãn tính.
Ngoài ra, ăn uống thất thường, hay tiếp xúc với tiếng ồn, dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử và sử dụng thuốc kháng sinh cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt và các bệnh phụ khoa.
Tốt nhất hãy xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, tập thể thao đều đặn và khám phụ khoa định kỳ để bảo vệ chính mình.