4 ứng xử cần thiết mẹ chồng có thể tham khảo khi biết nàng dâu nói xấu sau lưng và ngược lại:
- Bình tĩnh lắng nghe
Với mẹ chồng, dù trong trường hợp nào, khi biết nàng dâu nói xấu sau lưng thì nên bình tĩnh. Hãy soi xét kỹ vấn đề và nhất định không để những cảm xúc tiêu cực dẫn dắt. Tại sao việc bình tĩnh, làm chủ cảm xúc là điều cần thiết lúc này? Bởi dù mẹ chồng có làm ầm lên thì mọi chuyện cũng chẳng thể giải quyết ngay được. Việc bình tĩnh sẽ nhận lại sự tôn trọng và mẹ chồng có thể tìm được cách xử lý vấn đề tốt hơn. Hãy nghe xem nàng dâu đã nói gì, nghĩ gì về mình. Bởi sau những lời nói xấu đó, mẹ chồng có thể thấy được mình đang còn nhiều điểm chưa hợp lý trong cách dạy bảo, đối xử với nàng dâu. Từ đó sẽ có hướng để hài hòa hơn.
Với nàng dâu, nếu biết mẹ chồng nói xấu sau lưng, cũng rất cần làm chủ cảm xúc của mình trong trường hợp này. Nàng dâu cũng cần lắng nghe xem mẹ chồng chê bai điều gì ở mình. Vì sau những lời nói xấu đó, chắc chắn sẽ có những điều nàng dâu thực sự đã chưa cố gắng hoặc chưa muốn thay đổi. Hãy là người chủ động nhìn lại những thiếu sót của bản thân. Không nên tiếp tục làm những điều khiến mẹ chồng không hài lòng như một sự chống đối. Học cách lắng nghe và sửa đổi thay vì tranh giành hơn thua với mẹ chồng.
- Đặt ra những câu hỏi
Mẹ chồng nên tự đặt câu hỏi: Tại sao nàng dâu nói xấu sau lưng mình? Liệu mình có đang quá khắt khe với nàng dâu? Có phải mình hay chê bai, hay so sánh nên luôn không vừa ý những gì nàng dâu làm? Có phải mình luôn muốn một nàng dâu “thập toàn thập mỹ” như nàng dâu “nhà người ta”, để rồi kêu ca, phàn nàn? Hãy mở lòng, bao dung hơn với nàng dâu của mình. Nếu mẹ chồng chỉ mang những nhược điểm của nàng dâu ra để nói xấu với mọi người thì điều cuối cùng nhận lại chỉ là những bất hòa khiến gia đình xáo trộn.
Nàng dâu cũng nên đặt cho mình những câu hỏi tương tự: Tại sao mẹ chồng lại luôn xét nét, nói xấu sau lưng mình? Mình đã ứng xử với mẹ chồng bằng sự tôn trọng chưa? Mình đã thực lòng quan tâm và muốn quan tâm mẹ chồng như một người con trong gia đình chưa? Nếu bản thân mình thay đổi thì mối quan hệ của hai mẹ con có được cải thiện hơn? Nếu nàng dâu thực lòng muốn có câu trả lời thì cũng tìm được cách để thay đổi theo chiều hướng tích cực. Sự tôn trọng, quan tâm chân thành, khéo léo sẽ khiến mẹ chồng dù khó tính tới đâu cũng phải mềm lòng, phải nhìn lại những điều đã nói về nàng dâu.
- Tâm sự, góp ý gián tiếp và trực tiếp
Khi mẹ chồng biết nàng dâu nói xấu sau lưng và ngược lại, nếu hai người trong cuộc chưa thể ngay lập tức chia sẻ, góp ý trực tiếp với nhau thì có thể dùng cách gián tiếp. Mẹ chồng, nàng dâu hãy tìm một người thực sự tin tưởng, có tiếng nói trong gia đình, họ hàng để tâm sự. Đó cần là người biết cách dùng câu chuyện họ nghe được để giúp mẹ chồng nàng dâu thấu hiểu nhau hơn.
Sau đó mẹ chồng, nàng dâu có thể chủ động góp ý trực tiếp một cách khéo léo về những điều chưa hài lòng về nhau. Mọi thứ chỉ có thể thay đổi khi có những phê bình, góp ý với mục đích xây dựng. Hãy là người mẹ chồng biết đối đãi với nàng dâu và hãy là nàng dâu thông minh, khôn khéo trong cách ứng xử với mẹ chồng. Chỉ có như vậy mới tạo được không khí thuận hòa, yên ấm trong gia đình.
- Trò chuyện thường xuyên
Nàng dâu thường có tâm lý ngại trò chuyện với mẹ chồng. Họ cũng dễ có suy nghĩ ít nói chuyện thì sẽ ít va chạm, ít nảy sinh những điều rắc rối. Thế nhưng chỉ khi trò chuyện thường xuyên hơn thì mẹ chồng, nàng dâu mới có cơ hội thấu hiểu nhau hơn. Nàng dâu đừng bao giờ cho rằng mẹ chồng chẳng hiểu gì về mình, ngược lại mẹ chồng cũng vậy. Cả hai hãy trò chuyện nhiều hơn để phá bỏ những khoảng cách vô hình, tránh những hiểu lầm và tránh cái nhìn khắt khe, nói xấu về nhau.