pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 cách dạy trẻ về sự công bằng
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), khi nói đến giáo dục trẻ nhỏ, bình đẳng và công bằng là hai khái niệm rất quan trọng, nhưng không thể lẫn lộn và cần có thứ tự phát triển. Mục đích chung là dẫn đến sự công bằng-điều mà làm đứa trẻ trở nên khác biệt và luôn được quý trọng. Theo những nghiên cứu của TS. Smith và cộng sự tại Đại học Chicago (Mỹ), trẻ từ độ tuổi nhỏ cần được hiểu về sự bình đẳng, trước khi nhận ra giá trị của công bằng.
"Để hiểu về công bằng, trẻ phải nhận biết và được đối xử bình đẳng. Khi đã bình đẳng thì trẻ sẽ tự nhận thức về nhu cầu bản mình thân khác nhu cầu của những trẻ khác. Khi đó, tự bản thân trẻ sẽ nhận thức cho đi để có sự công bằng. Do đó, việc bạn kêu trẻ nhường em đi là do bạn muốn, nhưng bản thân của trẻ không hiểu điều này là gì. Thậm chí, đôi lúc làm trẻ chán ghét bé được nhường", bác sĩ Anh Nguyễn cho biết. Thực ra, nỗ lực tạo ra bình đẳng sẽ dẫn đến công bằng khi có sự xem xét nhu cầu. Do đó, trước tiên hãy dạy trẻ về sự bình đẳng.
Bác sĩ Anh Nguyễn cho biết thêm, trẻ từ 2 tuổi sẽ bắt đầu hiểu về khái niệm chia đều, nhưng sự chia sẻ hay trẻ lớn phải nhường, ai được ưu tiên... là những sai lầm mà người lớn cố ép trẻ vào, và cho là trẻ bướng bỉnh hoặc không nghe lời vì không làm theo.
Dưới đây là một số cách cha mẹ có thể thực hiện để duy trì sự bình đẳng trong nuôi dạy trẻ theo gợi ý của bác sĩ Anh Nguyễn:
1. Khi gặp bài toán phải chia, bạn nên chia đều, không lớn nhỏ và không ưu tiên.
2. Với nhà có 2 trẻ, khi cả hai bé cùng làm một việc gì, kết quả là của cả hai, bất kỳ trẻ nào làm sai, thì đều phạt cả hai.
3. Khi hai trẻ dưới 6 tuổi đánh nhau mà bạn không rõ bé nào sai, thì bạn cho hai trẻ đều sai và kết quả là từng bé phải xin lỗi nhau và giảng hòa. Không thiên vị dựa trên tình thân, cảm tính hay tuổi tác. Nếu bạn thực sự biết rõ bé nào làm sai, thì hãy bảo bé đó xin lỗi bé còn lại. Trẻ trên 6 tuổi nếu cùng sinh hoạt một hoạt động thì được tính như cách làm số 2 ở trên. Cả hai cùng sai dù ai đó làm sai, cả hai cùng chịu phạt.
4. Các hoạt động khuyến khích để giúp trẻ học về chia sẻ. Trẻ dưới 5 tuổi không có khái niệm chia sẻ, mà chỉ có khái niệm sở hữu dài hạn và sở hữu ngắn hạn. Nghĩa là, khi bạn nói cho trẻ cái gì, thì trẻ tự nhận định nó là sở hữu dài hạn của trẻ, việc trẻ có quyền chia sẻ hay không là do trẻ quyết định. Bạn chỉ cần giúp trẻ hiểu thêm 1 khái niệm là sở hữu ngắn hạn, có nghĩa là trẻ đưa bạn khác món của trẻ thì bạn đó cầm 1 lát và sẽ trả về. Điều này cũng sẽ hiểu khi món đồ là dùng chơi chung giữa hai trẻ, mỗi bên chỉ có sở hữu ngắn hạn. Khái niệm này trẻ từ 2 tuổi có thể bắt đầu hiểu, nhưng cần dạy thông qua các hoạt động chia sẻ như chuyền món đồ chơi sang tay qua lại.
5. Khi nhà có 2 trẻ thì cha mẹ cũng nên hiểu rõ 2 khái niệm sở hữu này khi cho trẻ những món quà. Ví dụ, khi cho quà thì nên nói rõ là cho bé nào, đừng ngập ngừng hay để trống như thể ai chơi cũng được. Không nhất thiết mỗi bé đều cần có quà 1 lúc để công bằng. Thực ra, trẻ con không có khái niệm ganh tị như chúng ta nghĩ. Trẻ con rất đơn giản, và hiểu rằng món nào cho trẻ là của trẻ là sở hữu lâu dài mà thôi. Khi đó, chắc chắn trẻ không dễ dàng cho ai đụng vào. Do đó, chỉ cần rõ ràng cho bé nào là được, thậm chí bạn cho bé này dịp này, bé kia dịp khác đều được. Nếu muốn cả hai cùng chơi chung thì hãy gọi 2 đứa ra và nói cho cả hai, khi đó, cả hai sẽ hiểu rằng chỉ có sở hữu ngắn hạn trên món đó.