pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 dấu hiệu cho thấy bạn cần thêm muối vào chế độ ăn uống
Chế độ ăn quá nhiều muối được biết ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ, đặc biệt là sức khoẻ tim mạch. Do đó, nhiều người dần dần cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, việc cắt giảm muối không đúng cách, không phù hợp với tình hình sức khoẻ có thể dẫn tới tình trạng thiếu muối. Việc thừa hay thiếu muối đều có những ảnh hưởng nhất định tới sức khoẻ tổng thể.
1. Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu muối
Một số dấu hiệu cảnh báo rằng cơ thể bạn đang thiếu muối và cần bổ sung:
- Nhức đầu: Hệ thống thần kinh của bạn cần natri để hoạt động và khi mức natri giảm xuống, nó có thể dẫn đến đau đầu nghiêm trọng.
- Mệt mỏi: Nếu cơ thể bạn thiếu natri thì khả năng cung cấp chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải của máu có thể bị cản trở, điều này có thể gây ra tình trạng mệt mỏi.
- Không tỉnh táo: Hệ thống thần kinh của bạn khá phụ thuộc vào nồng độ natri để gửi thông điệp qua các tế bào thần kinh của nó. Nếu bạn bị thiếu hụt natri, rất có thể não của bạn sẽ không thể tiếp nhận được thông điệp và dẫn tới tình trạng nhầm lẫn.
- Yếu cơ và chuột rút: Nếu cơ của bạn không loại bỏ được các chất thải, chẳng hạn như axit lactic dư thừa do nồng độ natri trong máu thấp, thì có khả năng các chất thải đó có thể gây ra chuột rút và co thắt ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể.
- Buồn nôn hoặc nôn: Đây là cách cơ thể bạn loại bỏ lượng nước dư thừa gây mất cân bằng nồng độ natri.
2. Tác hại của việc ăn ít muối
Mặc dù chế độ ăn quá nhiều muối sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng cắt giảm quá nhiều lượng muối cũng sẽ tác động đến sức khoẻ theo một cách khác. Theo India, cơ thể khi không được cung cấp đủ muối thì có thể dẫn tới một số tình trạng như:
- Tăng tình trạng kháng insulin: Một số nghiên cứu đã liên kết chế độ ăn ít natri với việc tăng khả năng kháng insulin. Kháng insulin là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim.
- Mất cân bằng điện giải: Tiêu thụ quá ít natri có thể phá vỡ sự cân bằng của các chất điện giải trong cơ thể, dẫn đến chuột rút, yếu cơ và thậm chí là nhịp tim không đều. Điều này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với các vận động viên và những người tham gia hoạt động thể chất với cường độ nặng.
- Hạ huyết áp: Nồng độ natri thấp có thể làm giảm huyết áp, điều này có lợi cho những người bị huyết áp cao. Tuy nhiên, nếu một người bình thường mà bổ sung quá ít muối thì có thể làm hạ huyết áp quá mức, dẫn tới lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng không đủ, có khả năng gây tổn thương theo thời gian. Các triệu chứng có thể bao gồm chóng mặt, ngất xỉu và mờ mắt.
- Hạ natri máu: Đây là một tình trạng nghiêm trọng được đặc trưng bởi nồng độ natri trong máu thấp đến mức nguy hiểm. Các triệu chứng của hạ natri máu bao gồm từ buồn nôn, nhức đầu đến lú lẫn và co giật. Trong những trường hợp nghiêm trọng, hạ natri máu có thể đe dọa tính mạng.
- Ảnh hưởng đến chức năng của thận: Chắc hẳn bạn đã nghe đến những tác hại của chế độ ăn nhiều muối tới thận nhưng ăn quá ít muối cũng có thể gây hại cho thận vì chúng cần một lượng natri nhất định để hoạt động bình thường. Tình trạng này có thể dẫn đến sỏi thận và giảm chức năng thận theo thời gian.
- Tác động bất lợi đến tim mạch: Cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống ở mức phù hợp có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, bổ sung quá ít muối cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ.
- Các vấn đề về cơ và thần kinh: Nồng độ natri không đủ có thể làm gián đoạn tín hiệu thần kinh và ảnh hưởng đến sự co cơ. Điều này có thể dẫn đến yếu cơ, co thắt và thậm chí tê liệt trong những trường hợp nghiêm trọng.
Nhìn chung, muối vẫn là chất cần thiết cho cơ thể. Do đó, bạn vẫn cần bổ sung muối với lượng vừa đủ mỗi ngày. Những người có sức khoẻ bình thường không cần cắt giảm quá mức, đặc biệt những người đang ăn keto, vận động viên, người bị tiêu chảy hoặc xơ nang. Đối với những người có các vấn đề tim mạch, chẳng hạn như huyết áp cao, suy tim, ... có thể cần giảm lượng muối trong chế độ ăn uống hơn so với người bình thường.
3. Nên bổ sung bao nhiêu muối mỗi ngày?
Tuỳ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khoẻ sẽ có lượng muối khuyến nghị bổ sung mỗi ngày. Theo NHS:
- Từ 11 tuổi trở lên không bổ sung quá 6g (khoảng 1 thìa cà phê) muối
- Từ 7 đến 10 tuổi không bổ sung quá 5g muối
- Từ 4 đến 6 tuổi không bổ sung quá 3g muối
- Từ 1 đến 3 tuổi không bổ sung quá 2g muối.
- Dưới 1 tuổi không bổ sung quá 1g muối. Đối với trẻ sơ sinh không nên ăn muối vì thận của trẻ chưa phát triển đầy đủ và không thể xử lý được.
Lưu ý: Có nhiều tổ chức đưa ra các khuyến nghị khác nhau, nhưng nhìn chung các khuyến nghị đều khuyến khích không nên bổ sung quá 2,3g natri, tức là không quá 6g muối mỗi ngày.
Kết luận lại, muối là chất thiết yếu của cơ thể nhưng chúng ta cần cân bằng hàm lượng bổ sung sao cho hợp lý. Ăn quá nhiều muối có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao và bệnh tim, nhưng ăn ít muối cũng có thể gây hại không kém. Vì vậy, tuỳ vào tình trạng sức khoẻ và độ tuổi, đặc biệt những người bị tăng huyết áp hoặc suy tim, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về hàm lượng bổ sung mỗi ngày.