5 hậu quả từ sai lầm của người mẹ có con học giỏi

N.Minh
21/02/2020 - 15:03
5 hậu quả từ sai lầm của người mẹ có con học giỏi
Lúc nào chị Nguyễn Vân Anh (Trường Chinh, Hà Nội) cũng tung con lên mây, rằng chỉ có con là giỏi nhất. Không phủ nhận con trai chị là đứa trẻ chăm chỉ, giỏi giang, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Không ít cha mẹ lúc nào cũng cho rằng chỉ có con mình giỏi khiến con coi thường người khác. Ảnh minh họa

Không ít cha mẹ lúc nào cũng cho rằng chỉ có con mình giỏi khiến con coi thường người khác. Ảnh minh họa

Chị Vân Anh rất hãnh diện, tự hào về cậu con trai dù mới lớp 3 nhưng đã sở hữu nhiều giải thưởng quốc tế. Đi đâu, chị cũng kể về con và cho rằng chỉ có con chị là giỏi nhất. Thậm chí, trước mặt con, chị còn tỏ vẻ chê bai trình độ cô giáo chủ nhiệm không ra gì. Cô chỉ dạy được các bài toán cơ bản, thông thường. Với những bài toán đòi hỏi tư duy, cô còn lâu mới theo kịp con.

Chị cũng không e dè "nói xấu" cô giáo tiếng Anh ở lớp với con. Chị cho rằng, giáo viên tiếng Anh tiểu học chắc chắn trước đây không phải là người học giỏi. Và việc phát âm của cô thì thua con trai chị là cái chắc…

Chính tư tưởng luôn coi thường người khác và chỉ đề cao mình của người mẹ mà con trai chị Vân Anh bị ảnh hưởng sâu sắc. Khi bạn trong lớp của con đạt giải trong cuộc thi thể thao, cậu con trai chị Vân Anh giọng dè bỉu kể với mẹ: Chơi thể thao giỏi có gì to tát đâu mà được tuyên dương. Học giỏi, đạt giải ở các kỳ thi mới gọi là giỏi chứ! Ở đâu, cậu bé cũng luôn nghĩ mình là nhất, chỉ có mình giỏi, còn người khác kém xa.

Theo TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội), đây thực sự là sai lầm của người mẹ trong việc dạy con. Và hậu quả mà đứa con nhận được là:

1.Cực kì vênh váo. Đứa trẻ ấy luôn nghĩ mình là con người đặc biệt nhất trên đời. Bản thân chúng ta khi ra đời chỉ biết cảm giác của chính mình mà không biết gì đến cảm giác của người khác. Vì thế, bẩm sinh là ta đề cao chính bản thân mình hơn người khác. Việc này theo năm tháng và trải nghiệm được điều chỉnh khi ta thấy quanh ta có quá nhiều người giỏi giang. Vậy nhưng, nếu ngay từ bé, ta đã đạt các danh hiệu, việc điều chỉnh này sẽ bị hạn chế, và ta vẫn nghĩ ta là vĩ nhân. Đến lúc này, ta coi thường tất cả, kể cả cha mẹ ruột, các cụ các ông bà. Thái độ đó thật sự rất đáng ghét.

Luôn nghĩ mình giỏi hơn người khác thì trẻ sẽ không dễ gì kết bạn. Ảnh minh họa

Luôn nghĩ mình giỏi hơn người khác thì trẻ sẽ không dễ gì kết bạn. Ảnh minh họa

2. Không sẵn lòng học hỏi. Ồi, mình giỏi rồi, mình học làm gì nữa. Nếu thày cô giáo dạy không hay, mình sẽ không thèm học hỏi. Môn nào, việc gì mình cảm thấy không xứng đáng với mình, mình sẽ không thèm học. Nếu bố mẹ hét lên, mình sẽ học với thái độ cực kì tức tối và đối phó cho xem.

3. Rất khó rút kinh nghiệm. Nếu một khi đã coi mình là nhất thì không dễ dàng rút kinh nghiệm.  Nhiều mẹ có con được giải hơn các bạn rất khó chấp nhận khi cô giáo hoặc ai đó nói con chưa ổn. Nhiều mẹ xù lông lên khi con bị chê. Vậy, với 1 đứa trẻ, việc rút kinh nghiệm không hề dễ.

4. Không chấp nhận thất bại. Có giải nhất thì cũng có giải bét. Đến khi con gặp thất bại gì đó, con sẽ khó có thể chịu nổi. Bao biện, đổ lỗi, ăn vạ.... là các phản ứng thường thấy của các bạn này.

5. Rất khó kết bạn. Luôn nghĩ mình giỏi hơn người khác thì các bạn ấy không dễ gì kết bạn. Nếu có, đôi khi con sẽ coi các bạn như người giúp việc, sai bảo, bắt nạt các bạn. Nếu các bạn không làm theo con, có thể con sẽ kêu gọi tẩy chay, hành hạ các bạn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm