pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 kiểu giáo dục con, cha mẹ tưởng tốt nhưng lại gây hại cho tương lai của con
1. Cha mẹ luôn cầu toàn
Đối với các bậc phụ huynh có tính cách khắt khe, cầu toàn, con cái luôn có cảm giác sợ hãi, lo lắng khi nghe được bất cứ yêu cầu nào từ cha mẹ. Về phía cha mẹ, có thể họ thấy đó là cách tốt nhất để giúp con cái trở nên tốt hơn và nhanh chóng hoàn thiện bản thân với những nhìn nhận, yêu cầu từ những người lớn đã có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm.
Chỉ cần một hành động nhỏ hay một lời nói không đúng ý cha mẹ, con trẻ có thể bị phạt ngay lập tức. Nếu cách giáo dục này kéo dài, con trẻ sẽ dần mang trong mình cảm giác mặc cảm, tự ti về bản thân, luôn sợ mình làm sai khiến cha mẹ không vừa ý. Chưa kể, vì những quy tắc khắt khe, không thực tế này mà bầu không khí gia đình luôn căng thẳng, mệt mỏi.
2. Cha mẹ không quảng giao
Tính cách tự ti vốn là một tính cách hạn chế việc thể hiện những điểm tốt của một người. Vì thế, cha mẹ không thích giao lưu, kết nối các mối quan hệ khiến cho vòng tròn hiểu biết của người đó trở nên bó hẹp. Đây thực sự là một điểm yếu cần khắc phục.
Ngược lại, nếu cha mẹ là những người cởi mở, thích giao lưu, làm quen, gặp gỡ với những người bạn mới, con trẻ cũng có nhiều cơ hội được tiếp xúc với nhiều người hơn. Từ đó, khả năng ngôn ngữ được cải thiện một cách rõ rệt vì con học được phép lịch sự cơ bản, kỹ năng giao tiếp... Bên cạnh đó, con sẽ học được sự hiếu khách, cởi mở, hòa đồng từ bố mẹ, không ngại mở rộng vòng tròn bạn bè cũng như các cơ hội cho bản thân.
3. Cha không tôn trọng vợ/mẹ
Dewey, nhà giáo dục nổi tiếng từng nhận định, vị gia sư tốt nhất cho con trẻ chính là tình nghĩa vợ chồng. Gia đình chính là nơi mỗi người luôn cảm thấy an toàn nhất khi nghĩ tới và với con trẻ cũng vậy, bố mẹ hạnh phúc, yêu thương nhau, con trẻ cũng được truyền năng lượng tích cực đó, sống có trách nhiệm, lạc quan, yêu đời.
Còn đối với những đứa trẻ sống trong môi trường có phần tiêu cực, bố không tôn trọng mẹ, cuộc sống không trọn vẹn. Chúng có thể là những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát, không biết cách bảo vệ mình, hoặc có thể là những đứa trẻ có thái độ không đúng đắn với mẹ do bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của bố.
4. Cha mẹ thường xuyên mắng con nơi đông người
Trách mắng con cái được nhiều bậc phụ huynh coi là một hình thức giáo dục có tính chất răn đe. Thậm chí, nhiều cha mẹ "không ngại" mắng con ở nơi đông người. Tuy nhiên, hình thức giáo dục này phản khoa học và gây ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách của trẻ sau này.
Khi bị trách mắng như vậy, con trẻ sẽ có tâm lí xấu hổ, tự ti, lâu dần trở nên nhút nhát, khó kiểm soát và điều này đi ngược lại với mong muốn ban đầu của cha mẹ. Hoặc con trẻ sẽ sinh tâm lý hằn học, chống đối, nuôi hận thù trong lòng. Vì thế, cha mẹ nên luyện tập thói quen lắng nghe con để có những hành động phù hợp với hoàn cảnh.
5. Cha mẹ "nghiện" điện thoại
Những đứa trẻ có cha mẹ "nghiện điện thoại" chưa chắc là những đứa trẻ hạnh phúc vì được sống trong sự hiện đại bởi có thể chúng là những đứa trẻ thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ. Thay vào đó, cha mẹ dành nhiều thời gian cho công nghệ thông minh còn đối với con cái, cha mẹ chẳng hề tập trung vào việc chơi cùng con, học cùng con...
Theo chuyên gia Mirilyn Steele, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sự gắn bó tại Viện Nghiên cứu Xã hội Mới ở New York (Mỹ), những đứa trẻ như vậy khi trưởng thành sẽ có tính cách lạnh lùng, tàn nhẫn vì ngay từ nhỏ đã thiếu vắng sự đồng hành của cha mẹ. Muốn con trẻ trở thành người có ích cho xã hội sau này, cha mẹ không nên ỷ lại vào những thiết bị công nghệ mà nên đồng hành cùng con khám phá thế giới.