pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lỗi khi cho con ăn dặm khiến trẻ biếng ăn, còi cọc
1. "Thần thánh hóa" việc ăn váng sữa
Váng sữa được quảng cáo chứa nhiều dinh dưỡng nhất của sữa, giúp bé cao lớn, khỏe mạnh, bé nên ăn váng sữa từ 6 tháng… Tuy nhiên, sự thật không phải như thế.
Váng sữa chính là lớp váng trên bề mặt lớp sữa khi thanh trùng, giống lớp váng sữa trên bề mặt sữa mẹ khi trữ đông. Thành phần dinh dưỡng của váng sữa được ghi trên các nhãn mác của váng sữa Việt Nam được thổi phồng lên rất nhiều so với sự thật. Váng sữa thực chất chỉ là một loại đồ ăn phụ có kem mà thôi. Không những thế lớp kem này khi chế biến sẽ không còn tốt cho thế như trước nữa, ngược lại nó tiềm ẩn 1 vài nguy cơ gây hại cho cơ thể. Ví dụ như béo phì,…
Nếu mẹ muốn dùng váng sữa cho bé, chỉ nên dùng với bé trên 1 tuổi. Và phụ huynh không nên cho bé ăn liên tục váng sữa.
2. Không có răng sao mà nhai?
Khoảng 6 tháng bé bắt đầu ăn dặm. Khi đó con có thể đã có 1-2 chiếc răng hoặc chưa có cái nào. Người lớn nghĩ trẻ không có răng thì không nhai được nên xay nhuyễn hết tất cả đồ ăn của con ra và cho bé ăn đến hơn 1 tuổi, thậm chí 2 tuổi. Việc làm đó hoàn toàn sai lầm. Con cần tăng lượng ăn thô lên dần dần.
Lợi của bé khác với lợi của người già đã rụng hết răng, lợi của bé rất cứng chứ không mềm như lợi người già. Bởi lẽ bên dưới lợi của bé đã có mầm răng, chỉ là chưa nhú lên mà thôi. Vì vậy, lợi của bé rất lợi hại trong việc nghiền thức ăn.
Tuy nhiên lợi của con chưa nhai được những loại thức ăn cứng hoặc dai. Vì chúng có thể làm tổn thương lợi của trẻ. Bố mẹ nên chọn thức ăn có độ cứng và dai phù hợp với bé để giúp bé học kĩ năng nhai dễ dàng, nhanh hơn.
3. Trẻ ăn nhiều mới tăng cân
Trước một tuổi con uống sữa là chính. Ăn dặm chỉ là phụ để bé tập ăn mà thôi. Ấy thế nhưng nhiều cha mẹ lại ép con ăn nhiều vì nghĩ rằng như vậy mới tăng cân.
Theo các bác sĩ, giai đoạn 6-9 tháng là thời kì bé tập làm quen với ăn dặm, lượng ăn khuyến cáo là rất ít vì cơ thể bé cần thời gian để tập dượt, làm quen. Theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thời kì trước 9 tháng lượng ăn dặm chỉ nên chiếm 30% và lượng ăn theo khuyến cáo là cháo từ 50-80ml. Rau củ 20-30ml, đạm 10-15ml, tổng tất cả khoảng 100ml mỗi ngày, chỉ bằng khoảng 1 bát cháo nhỏ. Thời kì trước 1 tuổi lượng thức ăn khuyến cáo tổng cũng chỉ khoảng 150ml.
Vì vậy phụ huynh quan niệm ăn dặm là ăn chính, phải ăn nhiều để tăng cân, hạn chế sữa là sai lầm. Trẻ không thể tăng cân nếu uống sữa quá ít. Hầu hết các bé trong thời kì 6-12 tháng đều tăng cân chậm lại do lúc này các bé đã bắt đầu biết ngồi, bò, vận động nhiều hơn, thích hóng chuyện và khám phá nhiều hơn là ăn uống. Các bé đã có thời kì 6 tháng trước vận động ít, khám phá ít nên đã tích lũy rất nhiều năng lượng cho thời kì này, bố mẹ không cần quá lo lắng. Vì thế, bố mẹ không nên ép bé ăn dặm nhiều để tăng cân, sẽ gây những tổn thương sau này cho hệ tiêu hóa của trẻ và khiến trẻ biếng ăn, sợ ăn.
Có nhiều ông bố bà mẹ, khi con mới ăn dặm thì ép chúng ăn thật nhiều để tăng cân. Đến khi 1 tuổi bé biếng ăn, chán ăn, chỉ uống sữa thì lại chỉ cho con uống sữa. Và có những em bé 3, 4 tuổi vẫn dinh dưỡng chính là sữa bột, không chịu ăn. Đó là sự đảo ngược hoàn toàn quy luật dinh dưỡng mà cơ thể bé có thể tiếp thu, gây rối loạn dinh dưỡng cho bé.
4. Trẻ con không biết no, đói
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ con không biết no, đói. Việc cho con ăn bao nhiêu là phụ thuộc vào bố mẹ đút cho trẻ ăn. Quan niệm này cũng là 1 sai lầm khi cho bé ăn dặm. Bởi từ lúc mới sinh ra, bé đã biết khi đói thì phải khóc to lên thì mới được cho bú. Càng lớn, khả năng nhận biết đói no của bé càng tăng lên, chứ không hề mất đi. Những em bé bình thường với sức khỏe ổn định hoàn toàn có đủ khả năng để nhận biết khi nào thì đói và cần phải đòi ăn. Tương tự như vậy, lúc no, bé cũng sẽ nhất quyết từ chối ăn tiếp. Vì vậy cha mẹ không nên ép con phải ăn khi chúng không muốn ăn nữa. Người lớn nghĩ rằng trẻ không ăn sẽ đói nên cứ cố cho trẻ ăn thêm. Việc làm này dẫn đến con chán ăn, sợ ăn và mất cảm giác đói, ngon miệng.
Nhiều bố mẹ còn sợ con ăn quá ít nên ăn làm nhiều bữa, bữa này mới kết thúc 30 phút đã đến bữa sau nên bé luôn có cảm giác no bụng. Bố mẹ nên cách mỗi cữ ăn ít nhất 2 tiếng để trẻ ăn ngon miệng hơn. Bên cạnh đó nên hạn chế cho trẻ ăn vặt.
Có những giai đoạn bé lười ăn hơn bình thường nhưng sẽ sớm qua nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Đối với trẻ việc học hỏi kỹ năng ăn mới là quan trọng.
5. Cho trẻ đi ăn dong
Vì không biết con no hay đói nên bố mẹ thường tìm cách cho trẻ ăn thật nhiều. Một trong những cách hay được áp dụng nhất đó là cho trẻ đi ăn dong. Khi đó con sẽ thích thú nhìn cảnh vật xung quanh và quên đi việc chán ăn. Cha mẹ cứ đút đồ ăn vào miệng, con sẽ nhai nuốt nhanh hơn. Đây cũng là 1 hành động sai lầm khi cho trẻ ăn dặm. Việc làm này vừa khiến người lớn vất vả, lại càng khiến con lười ăn, chán ăn hơn.
Ngay khi trẻ ăn dặm, cha mẹ nên cho con ngồi ghế để ăn. Như vậy bé sẽ nhận biết khi người lớn lấy ghế ra tức là đến giờ ăn, ra khỏi ghế tức là không ăn nữa. Trẻ em dù còn bé nhưng vẫn có khả năng hiểu hết mọi việc xung quanh, chỉ là bé không nói ra thôi. Bố mẹ hãy kiên trì tập cho bé thói quen ngồi ăn tại ghế ăn nhé!