pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 kiểu uống nước đậu đen gây hại nhưng nhiều người không biết
Đông y ghi nhận đậu đen có tính mát nên không dùng cho những trường hợp bị hư hàn, có các vấn đề đường tiêu hóa.
Dân gian có câu: "Mùa hè không thể thiếu đậu đen". Câu nói đủ khái quát tầm quan trọng của loại thực phẩm này vào mùa hè. Uống nước đậu đen cũng như dùng các món ăn từ loại thực phẩm này vào mùa nắng nóng giúp giải nhiệt, phòng chữa bệnh, chị em còn có làn da căng mịn, vóc dáng thon thả.
Trong Đông y, đậu đen được sử dụng để giải độc, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ chỉ hãn, dưỡng can, làm sáng mắt...
Đậu đen đặc biệt tốt cho phụ nữ. Đó là lý do từ rất lâu, phụ nữ Nhật Bản đã sử dụng đậu đen như là một trong những bí quyết để giải nhiệt, chữa nóng trong, làm mát gan, tránh mụn nhọt, duy trì làn da trắng mịn. Đồng thời, ăn đậu đen đúng cách còn giúp phụ nữ Nhật giữ dáng, giảm cân hiệu quả.
Nghiên cứu được công bố trên NCBI cho thấy, đậu đen rất giàu anthocyanins, có hàm lượng cao gấp 10 lần trong nho, dâu tây... vừa phòng tránh bệnh mãn tính như ung thư vừa chống lão hóa. Chúng cũng rất giàu chất sắt. Chị em ăn đều sẽ có làn da trẻ mướt, hồng hào và sống thọ.
Vì những công dụng tuyệt vời đó nên rất nhiều người tranh thủ uống nước đậu đen vào mùa hè để khỏe người, đẹp da lẫn dáng. Tuy nhiên, các chuyên gia cùng lên tiếng nhận định, đậu đen chỉ tốt khi dùng đúng cách. Trong nhiều trường hợp, tùy tiện sử dụng đậu đen thì rất có hại.
5 kiểu dùng nước đậu đen rất có hại
1. Uống nước đậu đen thay nước
Theo PGS.TS Trần Đình Toán (Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng), uống nước đậu đen thay nước lọc sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng hấp thu các chất trong cơ thể. Cơ thể bạn dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi do thiếu chất.
Đó là lý do vì sao nhiều chị em uống nước đậu đen thay nước lọc có thể cảm thấy cơ thể luôn mệt mỏi, uể oải.
2. Uống nước đậu đen cùng sắt, kẽm, canxi
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), đậu đen cũng như nhiều loại đậu khác có chứa nhiều phytate. Chất này có khả năng làm giảm hấp thu một số khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, canxi. Do đó, những người phải uống bổ sung sắt, kẽm, canxi thì tuyệt đối không uống kèm nước đậu đen.
Chuyên gia cũng khuyến cáo thêm, ngay cả những thức ăn chứa nhiều sắt, kẽm, canxi cũng tuyệt đối không dùng chung với đậu đen để tránh làm giảm khả năng hấp thu của cơ thể.
3. Uống nước đậu đen khi đang có đường tiêu hóa kém
Theo lương y Bùi Hồng Minh, Đông y ghi nhận đậu đen có tính mát nên không dùng cho những trường hợp bị hư hàn, có các vấn đề đường tiêu hóa như viêm loét hành tá tràng, dễ bị tiêu chảy, tiêu chảy mạn.
Ngoài ra còn có những người bị chân tay lạnh, sợ lạnh... cũng không nên dùng. Nếu bạn rơi vào những trường hợp này mà vẫn uống nước đậu đen thì sẽ làm bệnh thêm nặng, khó điều trị dứt điểm.
Tốt nhất, sau khi khỏi bệnh, chị em mới nên dùng nước đậu đen để tăng sản xuất collagen, giảm cân, dưỡng trắng da cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể.
4. Lấy nước đậu đen để uống thuốc
Các chuyên gia nhận định, nước đậu đen gây cản trở hấp thu một số chất. Khi dùng nước này để uống thuốc sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Nhiều trường hợp còn gây phản ứng thuốc, rất nguy hiểm. Do đó tuyệt đối không nên dùng nước đậu đen hay bất cứ loại nước nào, ngoài nước lọc, để uống thuốc.
5. Uống nước đậu đen khi đang có vấn đề ở thận
Nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu. Nếu dùng cho người có thận yếu hay các vấn đề ở thận sẽ khiến thận quá tải, trầm trọng thêm các vấn đề. Do đó, nếu bạn đã bị bệnh thận thì không nên uống nước đậu đen để giảm cân, đẹp da.