pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 loại "trà mùa hè" giúp thanh nhiệt, giải độc và phòng chống bệnh tật
Ảnh minh họa
Theo Eating Well, trà là loại đồ uống được tiêu thụ nhiều thứ hai trên toàn thế giới sau nước và nếu bạn là người thích uống trà thì đừng bỏ qua 5 loại trà mùa hè tốt cho sức khỏe dưới đây.
Đầu tiên là việc uống trà giúp thúc đẩy quá trình hydrat hóa, hỗ trợ thanh lọc và hỗ trợ quá trình điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể trong mùa nóng. Tiếp theo, những loại trà này đều giàu chất chống oxy hóa tốt cho nhiều khía cạnh của sức khỏe.
1. Trà kim ngân hoa
Kim ngân hoa hay còn gọi là kim ngân, nhẫn đông, song bào hoa, nhị hoa, kim đằng,... Đông Y ví hoa kim ngân như một loại "vương dược" giải độc nhờ tính hàn, vị ngọt, có lợi về kinh phế, tâm và vị; với công dụng thanh nhiệt, giải độc.
Theo Y học hiện đại thì kim ngân hoa có thể giúp giảm sưng tấy và kháng virus nhờ chứa nhiều loại hợp chất thực vật chống oxy mạnh mẽ như quercetin, flavonoid. Bên cạnh đó, kim ngân hoa còn được sử dụng trong điều trị chứng khó tiêu, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, cải thiện trí nhớ, kiểm soát đường huyết, cảm lạnh thông thường,...
Cách pha trà kim ngân hoa: Chuẩn bị khoảng 3 gam kim ngân hoa và một cốc nước. Đun sôi nước rồi hạ nhỏ lửa, thả hoa kim ngân vào đun trong 5 phút thì tắt bếp. Trà hoa kim ngân có vị thơm, dễ uống.
2. Trà hoa hồng
Hoa hồng được thêm vào nhiều loại sản phẩm vì hương thơm và lợi ích sức khỏe tiềm tàng của chúng. Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng.
Theo WebMD, trà pha từ cánh hoa hồng là nguồn cung cấp vitamin C, vitamin A, vitamin E, sắt và canxi tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là các hợp chất thực vật phytochemical như polyphenolcó đặc tính chống oxy hóa cao, ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Như vậy có thể thấy, uống trà hoa hồng là một nguồn cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa tuyệt vời.
Trà hoa hồng cũng không chứa caffeine, đường và calo. Chính điều này giúp trà hoa hồng được xem như một loại trà giúp an thần, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ trong cái nóng của mùa hè.
Cách pha trà hoa hồng: Bạn có thể sử dụng cánh hoa hồng tươi hoặc hoa hồng đã được sấy khô. Đun sôi 2 cốc cánh hoa hồng tươi với khoảng 700 ml nước trong 5 phút thì lọc bã hoa ra rồi uống. Với hoa hồng khô, hãy ngâm chúng trong nước sôi từ 10 - 20 phút rồi uống. Khi uống trà hoa hồng, bạn có thể thêm vào một chút mật ong để tăng thêm hương vị.
3. Trà xanh
Vào mùa hè nắng nóng con người thường đổ mồ hôi nhiều hơn để điều hòa thân nhiệt, vì vậy mà bù nước rất quan trọng trong mùa hè, giúp ngăn ngừa các nguy cơ say nắng, mệt mỏi do mất nước gây ra.
Lúc này uống một cốc trà xanh là một lựa chọn hợp lý. Trà xanh từ lâu đã nổi tiếng với đặc tính chống oxy mạnh. Trà rất giàu polyphenol gọi là catechin (nhiều nhất là Epigallocatechin-3-gallate (EGCG) - hợp chất tự nhiên giúp giảm viêm, bảo vệ chống lại stress oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương tế bào, cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường chức năng nhận thức, thúc đẩy giảm cân, điều chỉnh lượng đường trong máu, hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa và bảo vệ chống lại một số loại ung thư.
Theo Very Well Health, bằng chứng cho thấy uống 3-5 tách trà xanh mỗi ngày cùng với chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm 41% nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch. Đây đều là những biến cố tim mạch gia tăng nhiều vào mùa hè.
Tuy nhiên do chứa nhiều caffeine nên những người nhạy cảm với caffeine hay đang mắc các bệnh cao huyết áp, phụ nữ mang thai, bị bệnh gan, không nên uống quá nhiều; đặc biệt không nên uống trà xanh vào ban đêm dễ dẫn đến mất ngủ.
Cách pha trà xanh: Trà xanh có thể ở dạng lá lươi hoặc khô (chè khô). Khi pha lá trà xanh tươi cần chú ý không đun quá lâu bởi sẽ làm mất đi nhiều hoạt tính của lá trà. Với chè khô, bạn nên đun nước sôi rồi chờ tới khi nguội bớt còn khoảng 80 - 85 độ C thì bỏ chè vào tráng rồi mới ngâm từ 2 - 3 phút mới uống.
4. Trà kỷ tử
Kỷ tử còn có nhiều tên gọi khác trong dân gian được biết như: khơi tử, câu khởi hay câu kỷ tử. Theo Đông y, kỷ tử có tính bình, vị ngọt, lợi về kinh gan, thận, có công dụng bổ gan thận, nhuận phế, tăng cường thị lực.
Kỷ tử giàu vitamin như vitamin A, vitamin C, vitamin E cùng các hợp chất chống oxy hóa như zeaxanthin, polisaccarit,... đặc biệt tốt cho hệ miễn dịch, giúp giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn.
Cách pha trà kỷ tử: Chuẩn bị kỷ tử khô 20 gram và 1,5 muỗng cà phê mật ong. Sau đó, đun các nguyên liệu đã chuẩn bị cùng với nước và để nguội bớt rồi cho thêm mật ong khoảng 1,5 muỗng nữa, đem khuấy đều và uống trong ngày.
5. Trà hoa cúc
Khi nhắc tới các loại trà giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể và giảm căng thẳng, không thể bỏ qua trà hoa cúc. Theo Đông Y, trà hoa cúc là một vị thuốc có tính hàn giúp thanh nhiệt, giải độc, chữa suy nhược thần kinh, bổ não, chữa đau họng, hạ sốt, giảm mụn.
Nhiều người khuyên nên uống trà hoa cúc 30 đến 45 phút trước khi đi ngủ để cơ thể có thời gian chuyển hóa các chất dinh dưỡng và thu được nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, chưa có đủ nghiên cứu để đưa ra khuyến nghị cụ thể về thời điểm và tần suất uống trà hoa cúc để mang lại lợi ích cho giấc ngủ. Nếu bạn có xu hướng thức dậy vào nửa đêm để đi tiểu, bạn có thể nên uống nước này sớm hơn một chút vào buổi tối để tránh việc phải đi vệ sinh nhiều lần làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
Cách pha trà hoa cúc: Chuẩn bị 5 - 10 gam trà hoa cúc và hãm với nước sôi để nguội còn 70 độ, tráng qua nước đầu rồi ngâm một lúc sau đó mới thưởng thức.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên uống trà hoa cúc. Đặc biệt là những người có tiền sử dị ứng với các loại cây liên quan như cỏ phấn hương, cúc vạn thọ,... Hoa cúc có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm warfarin và cyclosporine, theo NCCIH. Người đang mang thai hoặc cho con bú cũng nên thận trọng khi có ý định uống loại trà này. Tốt nhất hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi uống nếu đang điều trị bệnh hoặc có các tình trạng sức khỏe đặc biệt.