pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 loại vitamin có tác dụng bảo vệ phổi khi thời tiết chuyển lạnh
Không khí lạnh cũng có thể ảnh hưởng đến hô hấp, đặc biệt những người bị bệnh phổi như hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) dễ tái phát và mắc bệnh hơn.
Đối với những người bị COPD, không khí lạnh có thể kích hoạt co thắt ở phổi, tạo ra các triệu chứng tương tự như cơn hen suyễn, bao gồm thở khò khè, tức ngực, ho và khó thở.
Để bảo vệ phổi cũng như phòng ngừa các bệnh hô hấp, viêm phổi, mọi người nên bổ sung vitamin và dưỡng chất tốt cho phổi.
1. Một số vitamin có tác dụng bảo vệ phổi
1.1. Vitamin A
Vitamin A không chỉ tốt cho mắt mà còn hỗ trợ duy trì chức năng bình thường của phổi. Vitamin A có tác dụng tái tạo niêm mạc phổi, duy trì chức năng của các tế bào màng nhầy bảo vệ phổi khỏi các tác nhân gây bệnh trong không khí.
Những thực phẩm giàu vitamin A các bạn có thể sử dụng như khoai lang, cà rốt, rau bina, ớt chuông, xoài, bông cải xanh, dưa lưới, …
1.2. Vitamin D
Vitamin D là chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của phổi. Nếu thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và các tình trạng ảnh hưởng đến phổi, bao gồm cả COPD.
Sự thiếu hụt vitamin D đã được chứng minh diễn ra phổ biến ở những người mắc các bệnh liên quan đến phổi, bao gồm hen suyễn và COPD. Thậm chí có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và ảnh hưởng đến chức năng phổi ở những người bị hen suyễn và COPD.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng thiếu hụt vitamin D có liên quan đến việc phổi bị tổn thương nghiêm trọng hơn, thời gian mắc bệnh lâu hơn và nguy cơ tử vong cao hơn ở những người nhập viện vì COVID-19.
Vitamin D còn giúp nâng cao hiệu suất tập luyện cho những người bị bệnh liên quan đến phổi, nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Để tăng cường sức khỏe của phổi, mọi người nên ăn những thực phẩm giàu vitamin D như cá, hàu, sò, trứng cá, tôm, cả lụa, xúc xích, nấm, trứng gà, sữa bò, …
1.3. Vitamin C
Vitamin C có chức năng như một chất chống oxy hóa mạnh nên có thể ngăn ngừa những tổn thương ở tế bào, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Vitamin C có đặc tính chống viêm và điều hoà miễn dịch. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, bổ sung đầy đủ vitamin C là điều cần thiết để đảm bảo phổi khỏe mạnh, ngăn ngừa các bệnh về phổi như COPD.
Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ và thời gian nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, có thể giúp cải thiện chức năng phổi và ngăn ngừa suy giảm chức năng phổi ở những người bị bệnh hen suyễn.
Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày (RDA) cho người lớn trên 19 tuổi là 75–120 mg. Những thực phẩm giàu vitamin C các bạn có thể bổ sung hàng ngày như ớt chuông, kiwi, dâu tây, súp lơ trắng, bông cải xanh, dưa lưới, cà chua, đu đủ, …
1.4. Omega-3
Chất béo omega-3 có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, có tác dụng hữu ích đối với các bệnh viêm phổi như hen suyễn. Xây dựng chế độ ăn uống giàu omega-3 cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển COPD.
Omega-3 có nhiều trong cá hồi, sữa, ngũ cốc, cải xoăn, cải xanh, đậu hà lan, óc chó, …
1.5. Vitamin E
Vitamin E có tác dụng bảo vệ và phòng ngừa các bệnh liên quan rối loạn hô hấp. Khi bổ sung vitamin E đầy đủ, mô phổi được phục hồi, làm giảm các vấn đề về hô hấp.
Ngoài ra, vitamin E chống oxy hoá mạnh mẽ, giúp bảo vệ các tế bào, phòng ngừa nhiều bệnh tật.
Các bạn có thể bổ sung vitamin E qua các loại thực phẩm như các loại hạt (hướng dương, hạnh nhân), bơ, cá hồi, tôm, bí đỏ, bông cải xanh, ...
2. Một số biện pháp khác bảo vệ sức khỏe của phổi
Ngoài việc bổ sung vitamin để tăng cường đề kháng, bảo vệ phổi, các bạn nên áp dụng thêm một số phương pháp sau đây:
- Nếu thời tiết lạnh, bạn nên quấn nhẹ một chiếc khăn quanh mũi và miệng để làm ấm không khí trước khi đi vào phổi. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
- Theo dõi các dự báo về chất lượng không khí để duy trì sức khỏe. Những người mắc bệnh hen suyễn và các bệnh phổi khác có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí cao hơn. Vì vậy, nếu không khí quá ô nhiễm bạn nên hạn chế ra ngoài, đeo khẩu trang khi ở bên ngoài, …
- Nếu bạn bị hen suyễn hoặc COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hãy luôn mang theo các loại thuốc giảm đau nhanh bên mình. Ngừng hoạt động và sử dụng thuốc giảm đau ngay khi bạn bắt đầu có các triệu chứng.
- Không hút thuốc lá, nhất là những người bị các bệnh phổi mạn tính
- Tập thở sâu mỗi ngày, cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần hít một hơi thật sâu, sau đó thở ra bằng miệng.
- Ăn uống khoa học: Các bạn nên ưu tiên bổ sung những vitamin và dưỡng chất trên, như vậy vừa giúp phổi hoạt động tốt hơn, vừa tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Kiểm tra phổi định kỳ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời khi phổi gặp vấn đề.
Có thể nói, khi thời tiết chuyển lạnh, phổi dễ bị tổn thương, có thể gây ra các bệnh như viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, ... Chủ động phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống với các loại vitamin A, D, C, E, Omega-3, giữ ấm cơ thể và tránh xa các tác nhân ảnh hưởng đến phổi như ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc, ...