pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 lời khuyên cho bệnh nhân suy giáp mùa lạnh
Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường. Với người bị suy giáp thì việc điều chỉnh thân nhiệt hay trao đổi chất bình thường có thể sẽ khó khăn hơn.
5 lời khuyên cho bệnh nhân suy giáp mùa lạnh
Dưới đây là 5 lời khuyên cho bệnh nhân suy giáp trong những tháng thời tiết lạnh để hạn chế ảnh hưởng ít nhất đến cuộc sống thường ngày.
1. Điều chỉnh lượng thuốc
Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Nội tiết lâm sàng và Chuyển hóa cho thấy việc tiếp xúc với lạnh ảnh hưởng đến mức độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) của bạn, khiến nó tăng lên còn nồng độ T4 và T3 tự do lại giảm xuống.
Do đó, việc sản xuất hormone tuyến giáp thường tăng nhẹ để giúp bù đắp cho việc tiếp xúc với không khí lạnh. Nếu bạn bị suy giáp và phụ thuộc vào thuốc thay thế hormone tuyến giáp như levothyroxine hoặc tuyến giáp khô tự nhiên (chất trích tuyến giáp), TSH có thể tăng lên khi nhiệt độ lạnh.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn vẫn có một tuyến giáp bán chức năng, nó có thể không có khả năng tự tăng cường sản xuất hormone để duy trì nhiệt độ cơ thể của bạn.
Sự gia tăng TSH này có thể đi kèm với các triệu chứng suy giáp phổ biến, chẳng hạn như mệt mỏi, trầm cảm, sương mù não và tăng cân. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng bạn không chịu được lạnh, và đặc biệt ở bàn tay và bàn chân.
Đối với những người bị suy giáp, nguy cơ suy giảm tuyến giáp do cảm lạnh sẽ tăng lên khi bạn già đi. Lúc này bạn cần:
- Kiểm tra TSH cơ bản xem nồng độ hormone tuyến giáp có giảm hay không
- Trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh lại lượng thuốc thay thế hormone tuyến giáp của bạn để đạt được mức tối ưu.
2. Tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn hoặc cân nhắc bổ sung vitamin D
Bệnh nhân tuyến giáp có nguy cơ mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, còn được gọi là SAD. SAD là một loại trầm cảm có liên quan đến các mùa và thường liên quan đến ngày ngắn hơn và ít tiếp xúc với ánh sáng hơn vào mùa đông.
Dấu hiệu của SAD bao gồm:
- Mệt mỏi
- Sương mù não
- Suy giảm tập trung
- Thiếu năng lượng, kém linh hoạt
- Ngủ nhiều hơn bình thường
- Ăn nhiều, thèm đường và tinh bột hơn
- Tăng cân
- Né tránh các tương tác, tiếp xúc xã hội.
Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị tuyến giáp mùa lạnh thì để giảm thiểu hội chứng trầm cảm theo mùa, một trong những phương pháp phổ biến nhất là liệu pháp ánh sáng. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều sẽ có hiệu quả đến cả các hormone có tác động đến các chất hóa học trong não và hệ nội tiết.
Thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên từ 20 - 30 phút. Với những trường hợp không ra ngoài thường xuyên, bạn nên kiểm tra mức độ vitamin D để xem có cần phải bổ sung thêm không.
3. Tránh tăng cân
Thời tiết lạnh giá có thể khiến bạn ít tập thể dục hơn nhưng duy trì một thói quen tập thể dục đều đặn giúp bạn giảm căng thẳng và nguy cơ tăng cân trong những tháng mùa lạnh.
Nhiều bệnh nhân tuyến giáp cho biết họ dễ thèm ăn đường hơn trong các tháng mùa đông và đã có những báo cáo về bệnh nhân tuyến giáp dễ bị tăng sinh quá mức nấm men như candida hay kháng insulin do đường chế biến gây ra.
4. Ngủ đủ giấc
Các tình trạng bệnh tự miễn, mất cân bằng nội tiết tố và khó giảm cân đều trở nên nghiêm trọng hơn do ngủ không đủ giấc. Vì vậy mà điều bệnh nhân tuyến giáp cần chú ý chính là ngủ đủ giấc, thậm chí là ngủ hơn 7 - 8 tiếng trong mùa đông.
Cần tránh xa các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh trước khi đi ngủ. Thay vào đó là các bài tập thiền nhẹ nhàng, nghe nhạc hoặc đọc sách để thư giãn.
5. Chú ý giữ ấm cơ thể
Nếu chứng suy giáp của bạn là do bệnh Hashimoto hoặc bệnh Graves tự miễn dịch, thì bạn có nguy cơ cao mắc các tình trạng tự miễn dịch khác , bao gồm cả hiện tượng Raynaud. Raynaud cản trở dòng máu đến ngón tay, ngón chân, mũi và tai của bạn, điều này có thể khiến bạn đặc biệt nhạy cảm với cảm lạnh.
Các triệu chứng phổ biến của hội chứng Raynaud bao gồm:
- Các đầu chi chuyển sang màu trắng hoặc xanh khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh
- Cảm giác lạnh và tê ở ngón tay, ngón chân, mũi, tai
- Đau nhói hoặc đau hay ngứa ran ở ngon tay, ngón chân, mũi, tai
- Sưng ngón tay, ngón chân, mũi và tai.
Nếu có những dấu hiệu trên bạn cần thăm khám bác sĩ để có kế hoạch điều trị kết hợp đúng đắn, ngoài ra, cần:
- Giữ ấm cơ thể, bàn tay, bàn chân bằng cách mặc nhiều lớp quần áo chống lạnh, đeo găng tay và tất chân
- Tránh ra ngoài khi nhiệt độ lạnh
- Nếu cầm nắm thực phẩm lạnh, cần đeo găng tay
- Ngừng hút thuốc vì hút thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của Raynaud
- Ăn các thực phẩm sinh nhiệt như ớt, bơ, chất bẽo bão hòa để khi chúng được tiêu hóa sẽ giúp tạo nhiệt và giữ ấm cho cơ thể
- Quản lý căng thẳng.
Một lưu ý quan trọng là nếu bạn mắc bệnh Raynaud nhưng chưa được chẩn đoán mắc bệnh suy giáp thì bạn cần cho bác sĩ biết để thực hiện các đánh giá toàn diện liên quan tới tuyến giáp bởi các chuyên gia đều cảm thấy rằng mối quan hệ giữa hai tình trạng này đủ quan trọng để đảm bảo sàng lọc tuyến giáp ở những người bị chẩn đoán mắc hội chứng Raynaud.