pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 lưu ý đặc biệt khi sinh mổ
Sau sinh mổ, nhiều phụ sản mắc sai lầm trong việc chăm sóc bản thân khiến cho quá trình phục hồi sức khỏe kéo dài, ảnh hưởng đến cả việc chăm sóc con cái. Dưới đây là 4 việc mẹ cần lưu ý khi chăm sóc bản thân.
1. Không kiêng tắm
Nhiều sản phụ vẫn giữ quan niệm cổ hủ sau khi sinh nở đó là kiêng tắm, kiêng gội đầu. Thậm chí có người còn kiêng đủ 3 tháng 10 ngày. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, việc tắm gội rất quan trọng đối với phụ nữ sau sinh, đặc biệt là những ai sinh mổ. Khi vệ sinh sạch sẽ vết thương, mẹ cũng tránh được tình trạng nhiễm trùng. Vết mổ nhờ đó cũng sớm lành hơn.
Tuy nhiên mẹ nên nhớ không ngâm mình trong bồn nước, nên tắm nước ấm và tắm trong phòng kín gió. Cách tốt nhất mẹ hãy tắm rửa nhanh với nước ấm từ vòi hoa sen và tránh dội quá nhiều nước vào vết mổ. Nếu để vết thương ngâm nước quá lâu thì rất khó lành, thậm chí phải mất cả tháng mới khô da.
2. Không được nhịn đi tiểu
Do đau đớn sau sinh mổ, không ít mẹ nhịn đi tiểu và không đứng dậy đi lại. Trên thực tế, hành động này không tốt cho sản phụ sinh mổ một chút nào. Ngồi một chỗ quá nhiều hoặc nhịn đi vệ sinh khiến cho mẹ bị bí tiểu, táo bón thậm chí là nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu trước khi sinh con, mẹ bị trĩ hoặc táo bón thì nguy cơ này càng cao hơn.
Thông thường, mẹ sinh mổ được rút ống thông tiểu sau ca phẫu thuật khoảng 24 giờ và từ lúc đó nếu có nhu cầu đi vệ sinh, mẹ cần phải thực hiện ngay. Nếu ai không đi tiểu được phải thông báo cho bác sĩ để có biện pháp xử lý.
3. Không nên nằm ngửa
Khi mang bầu, mẹ thường phải nằm nghiêng để bảo vệ thai nhi cũng như cảm thấy dễ chịu hơn khi ngủ. Vì thế sau khi sinh xong, nhiều chị em thường có tư thế nằm ngửa để "bù" lại những ngày tháng trước đó mang thai vất vả. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, với những mẹ sinh mổ, khi nằm ngửa sẽ làm tăng sự co thắt tử cung và khiến mẹ đau đớn, vết thương khó lành hơn.
Tư thế nằm tốt nhất cho mẹ lúc nào đó là nằm nghiêng. Giường nên kê đệm êm, chắc chắn để hạn chế tối đa sự rung lắc ảnh hưởng đến vết mổ. Cách nằm này cũng giúp sản phụ dễ dàng đẩy sản dịch ra ngoài hơn so với việc nằm ngửa.
4. Nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý
Sinh mổ cũng được coi là 1 cuộc phẫu thuật nên mẹ cần có nhiều thời gian và năng lượng để vết thương chóng lành. Hãy tranh thủ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình trong việc chăm sóc em bé để mẹ có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khoẻ.
Việc bổ sung dưỡng chất cho mẹ sau sinh là việc làm cấn thiết. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên mẹ chỉ nên ăn cháo trong những ngày đầu vừa sinh con. Khi mẹ đã "xì hơi" được thì mới có thể ăn các thực phẩm khác.
Bụng dạ mẹ sau sinh cũng rất yếu nên chị em không nên ăn thực phẩm lên men, nhiều dầu mỡ khó tiêu. Mẹ cũng nên tránh tẩm bổ thịt, cá quá nhiều hoặc các thực phẩm giàu protein. Đồng thời chị em cũng nên hạn chế ăn uống những đồ cay nóng, không uống rượu bia, dùng chất kích thích.
5. Kiểm tra tình trạng vết mổ hàng ngày
Hãy gọi bác sĩ ngay nếu mẹ có những biểu hiện sau :
+ Sưng tấy hay chảy máu tại vết mổ.
+ Vết thương xấu đi hoặc phát đau đột ngột.
+ Phát sốt (ngay cả khi vết rạch tiến triển tốt).
+ Dịch tiết âm đạo có mùi hôi.
+ Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, thường xuyên đi tiểu nhưng nước tiểu không nhiều, hoặc nước tiểu có màu tối hoặc có máu.
+ Hiện tượng chảy máu âm đạo sẽ giảm dần, tuy nhiên nó cũng có thể kéo dài tới 6 – 8 tuần. Dịch tiết ra sẽ chuyển từ màu đỏ tươi sang màu hồng rồi chuyển sang màu vàng - trắng.
Ngoài ra, mẹ cần phải đặc biệt lưu ý bất kỳ dấu hiệu của hiện tượng máu vón cục gây tắc mạch, chẳng hạn như đau ngực, khó thở, sưng hoặc đột ngột bị đau ở một chân. Mặc dù đây chỉ là hiện tượng rất hiếm, nhưng nó rất có thể sẽ gây ra hậu quả khôn lường nếu bạn không phát hiện sớm.