5 lý do khiến bệnh cúm nặng hơn mà nhiều người mắc phải

Vân Anh
06/02/2025 - 14:52
5 lý do khiến bệnh cúm nặng hơn mà nhiều người mắc phải
Bệnh cúm chuyển nặng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm cơ tim,... đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu và có bệnh nền.

Dịch cúm đang bùng phát mạnh mẽ, gây ra các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sốt, đau họng,... Mặc dù cúm có thể tự điều trị tại nhà và hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 4 đến 7 ngày, tuy nhiên, nếu trong thời gian bị cúm, người bệnh không được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, viêm cơ tim,...

Dưới đây là 5 lý do khiến cho bệnh cúm nặng hơn nhưng nhiều người vẫn mắc phải.

1. Không tiêm phòng cúm

Tiêm phòng cúm hàng năm là điều cần thiết để phòng ngừa cúm cũng như giảm nguy cơ trở nặng khi mắc bệnh. Đặc biệt, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu nên đảm bảo tiêm phòng đầy đủ vì đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Tại sao cần tiêm vắc-xin cúm hàng năm?

Virus cúm thay đổi nhanh chóng. Do đó, vắc-xin của năm ngoái có thể không bảo vệ bạn khỏi virus của năm nay. Vắc-xin cúm mới được phát hành hàng năm để theo kịp với các loại virus cúm thay đổi nhanh chóng.

Hơn nữa, khi bạn tiêm vắc-xin, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tạo ra kháng thể để bảo vệ bạn khỏi các loại vi-rút có trong vắc-xin. Nhưng mức độ kháng thể có thể giảm theo thời gian, do đó bạn nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm.

Tiêm vắc-xin cúm có khiến bạn bị cúm không?

Không, vắc-xin cúm không thể khiến bạn bị cúm. Và vắc-xin cúm không làm tăng khả năng bạn mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác dựa trên bằng chứng hiện có. Tuy nhiên, nhiều người có thể phản ứng với vắc-xin và gây ra các tác dụng phụ giống với triệu chứng bệnh cúm nhưng sẽ thuyên giảm nhanh chóng mà không cần dùng thuốc.

5 lý do khiến bệnh cúm nặng hơn mà nhiều người mắc phải- Ảnh 1.

2. Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn

Dinh dưỡng tốt là điều cần thiết để giúp hệ thống miễn dịch của bạn chống lại vi-rút cúm, từ đó giúp cơ thể khoẻ mạnh và nhanh hồi phục hơn. Nhưng nếu trong thời gian bị cúm, người bệnh không chịu ăn uống hoặc không được chăm sóc tốt, dinh dưỡng nghêo nàn, cơ thể sẽ bị suy nhược, hệ miễn dịch suy yếu và không thể "chống chọi" lại được với vi-rút. Điều này sẽ khiến thời gian hồi phục lâu hơn hoặc thậm chí khiến người bệnh trở nặng hơn.

Bị cúm nên ăn gì?

Khi bị cúm, bạn nên ăn những thực phẩm giàu protein, vitamin - đặc biệt là vitamin C, kẽm, các chất chống oxy hoá. Một số nhóm thực phẩm nổi bật bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống khi bị cúm như súp gà, tỏi, gừng, rau lá xanh, trà xanh, trái cây - ưu tiên trái cây họ cam quýt hoặc ổi hay quả mọng, trứng, thịt, các loại đậu, sữa chua.

Bị cúm không nên ăn gì?

Những người bị cúm nên tránh các loại thực phẩm như đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, bia rượu. Đây là những thực phẩm có thể khiến hệ miễn dịch bị suy yếu và gây viêm trong cơ thể.

5 lý do khiến bệnh cúm nặng hơn mà nhiều người mắc phải- Ảnh 2.

3. Không điều trị sớm

Cảm cúm có thể tự điều trị ở nhà và có thể khỏi bệnh nhanh chóng. Điều này khiến mọi người lơ là trong việc điều trị. Khi thấy xuất hiện triệu, nhiều người thường tự ý mua thuốc điều trị hoặc khi thấy các triệu chứng không nghiêm trọng, mọi người thường bỏ qua việc sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, việc không nhận được điều trị sớm, hoặc không sử dụng thuốc kháng virus trong giai đoạn đầu có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Đặc biệt, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền và hệ miễn dịch suy yếu dễ trở nặng hơn khi không được điều trị đúng cách.

Do đó, khi có dấu hiệu bệnh cúm, bạn nên tìm đến bác sĩ hoặc những người có chuyên môn để được tư vấn cách điều trị phù hợp nhất.

5 lý do khiến bệnh cúm nặng hơn mà nhiều người mắc phải- Ảnh 3.

4. Uống ít nước

Uống đủ nước khi bị cúm là việc đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Để cơ thể mất nước cũng sẽ khiến các triệu chứng bệnh cúm lâu thuyên giảm, khó chịu và để mất nước quá mức cũng khiến người bệnh có thể cần phải nhập viện hoặc suy nhược.

Uống đủ nước khi bị cúm cũng giúp làm loãng chất nhầy, giúp xoang của bạn dẫn lưu tốt hơn. Điều này vừa giúp giảm triệu chứng lại giúp cơ thể nhanh phục hồi hơn.

Do đó, khi bị cúm bạn nên uống nhiều nước hơn. Ngoài nước lọc, bạn có thể uống nước ép trái cây - vừa giúp bổ sung chất lỏng lại bổ sung vitamin cho cơ thể, nước dừa, canh,...

5 lý do khiến bệnh cúm nặng hơn mà nhiều người mắc phải- Ảnh 4.

5. Căng thẳng

Những yếu tố thường không được quan tâm nhưng có thể khiến bệnh cúm của bạn trở nặng hơn hoặc lâu khỏi bệnh hơn, chẳng hạn như căng thẳng.

Việc cơ thể mệt mỏi có thể khiến bạn căng thẳng và chán nản hơn khi bị bệnh. Nồng độ hormone căng thẳng cao có thể ngăn hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động bình thường. Kết quả là sẽ khiến có thể mệt mỏi, bị bệnh lâu ngày hơn.

Để giảm tình trạng căng thẳng khi đang bị cúm, bạn nên đi lại nhẹ nhàng nếu có thể - việc nằm quá lâu một chỗ có thể khiến bạn suy nghĩ nhiều hơn và cảm thấy chán nản, nghe nhạc nếu bạn không bị đau đầu, nói chuyện và chia sẻ với mọi người xung quanh. Việc ăn uống đủ chất cũng sẽ khiến cơ thể khoẻ mạnh và giảm tình trạng căng thẳng do bệnh tật hơn.

5 lý do khiến bệnh cúm nặng hơn mà nhiều người mắc phải- Ảnh 5.

Cách phòng ngừa cúm

Phòng ngừa cúm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm. Một số biện pháp phòng ngừa cúm bao gồm:

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là chỗ đông người. Vi-rút cúm có thể lây qua không khí khi người bệnh hắt hơi hoặc ho.

- Rửa tay với xà phòng thường xuyên, đặc biệt khi ở bên ngoài trở về. Bạn có thể bám vào các vật thể có nhiễm vi-rút.

- Ăn uống lành mạnh và đủ chất để tăng cường sức đề kháng, từ đó có thể "đánh bại" được vi-rút cúm.

- Tiêm phòng cúm đầy đủ

- Tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau họng

- Không dụi tay lên mắt, mũi, miệng vì hành động này cũng khiến vi-rút dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.

Nhìn chung, cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải. Bệnh cúm có thể nhanh hồi phục khi điều trị đúng cách và có chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi phù hợp. Tuy nhiên, nhóm người dễ tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu nên cẩn trọng với bệnh cúm và tiêm phòng cúm đầy đủ.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm