Đối với những đứa trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, chắc chắn rằng chúng còn quá nhỏ để có thể hiểu được khái niệm “đồng cảm”. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ lớn hơn một chút, chúng có thể làm bạn ngạc nhiên với khả năng học cách quan tâm chăm sóc mọi người.
“Khi bạn kiên định dạy trẻ nhỏ theo một khuôn mẫu cách hành xử đúng đắn và thời điểm dạy càng sớm, thì cơ hội mà bé học được cách đối xử với người khác bằng sự đồng cảm càng cao”, Renelle Nelson – một điều phối viên sức khỏe tâm thần trẻ em cho biết. “Một đứa trẻ biết cách đồng cảm tức là biết quan tâm, chăm sóc, kể cả đối với những người bị khuyết tật hay cá biệt”.
Theo Nelson, có 5 cách có thể giúp con bạn học đồng cảm.
1. Công nhận và giải quyết nhu cầu của con
Nhu cầu và mong muốn của trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng dễ dàng thỏa mãn được. Ví dụ lịch trình công việc của bạn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa của bé, bạn nói với con rằng: “Hãy chờ mẹ một vài phút thôi nhé”. Nhưng trên thực tế, “một vài phút” đối với đứa trẻ 4 tuổi đang buồn ngủ mà nói thì giống như kéo dài vô tận. Vì thế thay vào đó, hãy thừa nhận cảm xúc của bé và nói, “Mẹ biết con đang rất mệt, nhưng mẹ hứa chúng ta sẽ về nhà sớm nhất có thể và đưa con đi ngủ ngay sau đó”.
2. Tập trung vào cảm xúc
Bạn hãy đọc một cuốn sách về cảm xúc để tham khảo, sau đó hãy khuyến khích lũ trẻ tập xác định những cảm xúc của chính chúng và của người khác. Khi bạn thấy bé đang vui hay đang buồn, hãy nhận xét, nói điều đó với bé.
Zoe, mẹ của bé Sofia 5 tuổi, thường nói với cô bé những câu như, “Buổi tối dạo gần đây anh trai con thường rất yên lặng. Con có nghĩ rằng anh ấy đang buồn vì bố đi công tác không có nhà không?”. Hoặc “Mẹ thấy bạn Michael nhảy lên vẫy tay khi thấy con tới trường hôm nay, con có nghĩ rằng bạn ấy rất vui khi gặp con không?”
3. Dạy cho con những tín hiệu bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ
Hãy sử dụng những câu nói giống nhau nhưng khác nhau về sắc thái (vui, buồn, giận dữ, sợ hãi,…) và yêu cầu đứa trẻ xác định xem cảm xúc mà bạn muốn biểu đạt là gì. Đối với tín hiệu phi ngôn ngữ, bạn luyện tập cho bé bằng cách dùng những biểu cảm khuôn mặt, hành động cơ thể. Ví dụ như lấy tay bịt hai tai khi nghe thấy âm thanh quá lớn, hoặc tỏ ra run rẩy để thể hiện cảm giác lạnh…
4. Cùng chơi với bé
Hãy tận dụng khoảng thời gian bé chơi đùa với đồ chơi, gấu bông để nhấn mạnh về cách đồng cảm. Ví dụ bạn có thể nói với bé “Ôi không! Tội nghiệp bạn gấu bông Gerry và chú hươu bị ngã và bị thương rồi kìa con” và “Ồ, bạn của chúng, Henry cùng Hippo đang đỡ họ đứng lên! Henry thật là biết quan tâm bạn bè.”
5. Khuyến khích sự hòa hợp
Hãy khuyến khích con kết bạn với cả những đứa trẻ cá biệt.
Ví dụ một buổi chiều ở công viên, khi đang đưa con đi chơi thì bạn thấy một bé bị thương ở chân phải dùng nạng, bé ngồi nghịch cát một mình trong khi các bạn khác đang chơi cầu trượt. Bạn hãy nói với con rằng “Mẹ nghĩ là bạn ấy sẽ muốn con đến chơi cùng lắm đấy”. Ban đầu có thể bé sẽ phản đối, nhưng hãy cổ vũ con và đề nghị đi cùng bé đến nói chuyện với người bạn mới. Chắc chắn rằng chẳng bao lâu sau, hai đứa trẻ sẽ chơi với nhau rất vui vẻ đấy.
Mô hình hóa hành vi và khuyến khích con bạn làm theo là bước quan trọng trong việc hướng trẻ đến đồng cảm. Hãy khen ngợi đứa trẻ khi nó thể hiện hành vi chăm sóc. Nếu bé không làm theo những gì bạn khuyến khích, hãy nói rằng chuyện có thể khác đi như thế nào nếu bé nghe lời. Đừng ngại sử dụng chính bản thân để làm ví dụ: “Mẹ cũng đã rất bực với bố khi bố gọi điện báo hôm nay sẽ về nhà muộn, vì mẹ cũng muốn dành thời gian với bố tối nay. Nhưng sau đó, mẹ thấy tệ và hối hận nên đã gọi lại và xin lỗi bố”. Hãy để đứa trẻ biết rằng, ngay cả người lớn không phải lúc nào cũng đồng cảm được với mọi thứ, nhưng chúng ta có thể sửa sai và cải thiện từng ngày.