pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 mẹo quản lý chứng đau nửa đầu khi thời tiết đầu Xuân thay đổi thất thường
Mặc dù những tác nhân gây đau nửa đầu vào mùa xuân ở mỗi người là khác nhau nhưng nhìn chung, có khoảng 20% các cơn đau nửa đầu được xác định có liên quan tới sự thay đổi của thời tiết, theo Healthline.
Ngoài ra, vào mùa xuân, sự phát tán mạnh mẽ hơn của các loại phấn hoa và nấm mốc cũng dẫn tới dị ứng bao gồm các triệu chứng như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt/mũi/họng,... và đau nửa đầu dễ bị kích hoạt hơn ở người bị dị ứng mùa xuân.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn quản lý chứng đau nửa đầu vào mùa xuân, và, mặc dù không phải lúc nào cơn đau nửa đầu cũng có thể được ngăn chặn nhưng bạn có thể cần lưu ý những điều này để giảm bớt.
1. Theo dõi sự thay đổi của thời tiết
Thời tiết là điều mà con người không thể kiểm soát được nhưng nắm rõ sự thay đổi của thời tiết bằng việc theo dõi các bảng tin dự báo, quan sát môi trường sống sẽ giúp bạn dự phòng được yếu tố phổ biến kích hoạt cơn đau nửa đầu này.
Nói cách khác, tất cả những tình huống thời tiết như gió lớn, mưa bão đều báo hiệu sự thay đổi của áp suất khí quyển và khiến cơn đau nửa đầu bùng phát. Phát hiện sớm những dấu hiệu ban đầu của cơn đau nửa đầu sẽ giúp bạn điều trị sớm trước khi nó trở nên tồi tệ hơn.
2. Quản lý dị ứng
Nếu bạn bị dị ứng theo mùa, cụ thể là dị ứng mùa xuân thì hãy:
- Hạn chế thời gian ở ngoài trời
Việc hít cả tỷ hạt phấn hoa trong không khí vào mũi và phổi có thể gây ra phản ứng dị ứng. Vì thế việc ở trong nhà đặc biệt hữu ích khi bạn bị dị ứng, đặc biệt là vào những ngày nhiều gió, sáng sớm - khi mà lượng phấn hoa thường cao nhất.
Nếu có việc phải ra ngoài trời, hãy luôn đeo kính, khẩu trang và thay quần áo, tắm gội ngay khi về nhà.
- Uống thuốc dị ứng
Thuốc kháng histamine giúp ngăn chặn các phản ứng dị ứng của cơ thể với tác dụng nhanh trong vòng chưa tới một giờ. Nhưng cần chú ý tới các tác dụng phụ của thuốc kháng histamine, đặc biệt nếu công việc của bạn cần phải thực sự tỉnh táo và tập trung.
Với người bị dị ứng nặng hơn, thuốc xịt mũi cũng có thể là một gợi ý, nhưng đôi khi, thời gian để thuốc xịt mũi phát huy tác dụng sẽ chậm hơn. Ngoài ra, thuốc xịt mũi có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như nóng rát mũi, khô mũi, chảy máu mũi nên cần dùng theo chỉ định của bác sĩ và không dùng liên tục trong thời gian dài.
Uống nhiều nước, xông mũi bằng hơi nước ấm, rửa nước muối, chườm ấm hoặc chườm lạnh để giảm khó chịu xoang,... cũng có thể góp phần giảm nhẹ triệu chứng viêm mũi dị ứng tại nhà.
Việc dự phòng sớm trước khi mùa dị ứng bắt đầu cũng là một giải pháp để ngăn chặn nhanh hơn các triệu chứng dị ứng xảy ra. Đừng quên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ bao gồm vệ sinh các thiết bị lọc không khí, hạn chế phơi quần áo ngoài trời khi thời tiết ấm hơn,...
Người bị dị ứng mùa xuân nên thăm khám bác sĩ nếu tình trạng dị ứng không được cải thiện, ảnh hưởng tới sinh hoạt, bị viêm mãn tính gây đau nửa đầu, khó thở, ho dai dẳng.
3. Vệ sinh giấc ngủ
Vào mùa xuân, ánh sáng ban ngày sẽ nhiều hơn, có nghĩa là mặt trời mọc sớm hơn và lặn muộn hơn. Điều này có thể khiến thói quen ngủ của bạn bị ảnh hưởng, chẳng hạn như thức khuya hơn một chút. Nhưng nhìn chung, bất cứ điều gì khiến bạn không thể ngủ đủ từ 7 - 8 giờ mỗi đêm đều có thể kích hoạt cơn đau nửa đầu, những vấn đề về giấc ngủ này thường bao gồm:
- Ngưng thở khi ngủ
- Mất ngủ
- Hội chứng chân không yên
- Ngủ ngáy
- Hội chứng ngủ rũ
...
Chứng đau nửa đầu cũng có thể khiến bạn tỉnh giấc hoặc bạn có thể cảm thấy cơn đau xuất hiện ngay sau khi ra khỏi giường. Hơn một nửa số cơn đau nửa đầu xảy ra trong khoảng thời gian từ 4 đến 9 giờ sáng và điều này có thể là do chúng có liên quan đến giấc ngủ.
Một trong những điều tốt nhất mà bạn nên rèn luyện thành thói quen để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu vào mùa xuân hay bất kì mùa nào khác trong năm, chính là duy trì việc ngủ và dậy đều đặn cùng một giờ mỗi ngày, bao gồm cả cuối tuần.
Hãy đặt mục tiêu ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi đêm với người trưởng thành và loại bỏ các thói quen xấu trước khi đi ngủ như ăn quá no, uống rượu hoặc caffeine, xem tivi hoặc điện thoại ngay trước khi ngủ,... Để có giấc ngủ ngon hơn và dễ vào giấc hơn, hãy giữ phòng đủ tối, đủ mát và đủ yên tĩnh.
Với người bị đau nửa đầu thì các vấn đề về giấc ngủ đôi khi cần tới sự can thiệp của bác sĩ với các liệu pháp nhận thức, kỹ thuật thư giãn, thực phẩm bổ sung nếu cần hoặc thuốc kê đơn/không kê đơn.
4. Thay đổi cường độ tập thể dục một cách từ từ
Vào mùa xuân, nhu cầu trở lại tập luyện của nhiều người có thể mạnh mẽ hơn so với các tháng mùa đông. Tuy nhiên việc thay đổi cường độ tập luyện một cách đột ngột hoặc tập cường độ cao có thể gây ra cơn đau nửa đầu do mệt mỏi quá mức hoặc mất nước.
Vì thế, ngay cả khi bạn nôn nóng tập luyện trở lại sau một mùa đông nghỉ ngơi thì bạn cũng chỉ nên bắt đầu tập chậm rãi nhẹ nhàng để không kích hoạt cơn đau nửa đầu. Hơn nữa, việc tập thể dục thường xuyên cũng góp phần ngăn ngừa đau nửa đầu hiệu quả.
5. Uống đủ nước
Mất nước là một nguyên nhân gây đau nửa đầu phổ biến nên điều quan trọng là bạn cần phải uống đủ nước cả ngày, đặc biệt với người bị dị ứng mùa xuân, mất nước có thể khiến chất nhầy trong đường thở đặc hơn và khó chịu hơn. Bên cạnh đó, thời tiết mùa xuân không thể dự đoán trước được, có thể sẽ có thời điểm nóng hoặc lạnh nên việc toát mồ hôi và mất nước nhiều hơn hoàn toàn có thể xảy ra nên duy trì uống đủ nước là hết sức quan trọng.
Các loại nước tốt nên bổ sung là nước lọc, nước hoa quả, sữa và các sản phẩm thay thế sữa, trà nóng hoặc trà decaf đã loại bỏ hầu như hoàn toàn caffeine. Đồng thời thận trọng với các nguồn caffeine như cà phê hoặc trà bởi quá nhiều caffeine hoặc cai caffeine đột ngột đều có thể là nguyên nhân gây đau nửa đầu. Nếu bạn đã quen với việc uống caffeine mỗi ngày, điều quan trọng là bạn nên uống đều đặn.
Nhìn chung, có thể thấy rằng việc nhận biết sớm các triệu chứng và áp dụng các phương pháp điều trị kịp thời là hết sức quan trọng để quản lý chứng đau nửa đầu mùa xuân. Hãy luôn lắng nghe cơ thể, thực hiện các bước điều chỉnh lối sống lành mạnh và không ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế khi cần thiết.