Nữ phiên dịch đặc biệt đi cùng ông Trump
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có cuộc hội đàm suôn sẻ, một phần không nhỏ nhờ vào những nhân vật thầm lặng nhưng hết sức quan trọng là phiên dịch viên. Họ là những người duy nhất ngoài hai nhà lãnh đạo được vào phòng họp kín ở khách sạn Capella (Singapore) và sau đó là phòng họp mở rộng với các quan chức cố vấn 2 nước. Họ đóng vai trò phá bỏ rào cản ngôn ngữ cho Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nổi bật nhất là bà Lee Yun-hyang (61 tuổi) - Trưởng phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nữ thông dịch viên kỳ cựu, được các tổng thống Mỹ gọi là "Giáo sư Lee", là nhân vật then chốt trong các cuộc họp ngoại giao của Mỹ, từng làm việc qua 2 đời tổng thống George W. Bush và Barack Obama.
Bà Lee bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ với tư cách thông dịch viên ngoại giao cao cấp vào năm 2008, sau đó trở thành người đứng đầu bộ phận thông dịch. Bà được biết đến là người đấu tranh cho nữ quyền và quyết định nuôi dưỡng con gái ở Mỹ vì tình trạng trọng nam khinh nữ ở Hàn Quốc.
Bà từng có 3 năm theo học ở một trường trung học quốc tế tại Iran, sau đó học chuyên ngành thanh nhạc ở đại học Yonsei, Seoul. Trong thời gian này, bà làm phóng viên cho tờ báo tiếng Anh Yonsei Annals của trường, thi thoảng phiên dịch.
Bà Lee có bằng thạc sĩ biên - phiên dịch của trường Đại học Ngoại ngữ Hankuk và từng giảng dạy ở Trường Cao học Biên dịch và Phiên dịch tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey trong suốt 8 năm. Năm 2004, bà Lee trở thành người đứng đầu trung tâm dịch thuật của trường Ewha ở Seoul chuyên về biên - phiên dịch. Trong giai đoạn này, bà Lee còn lấy được bằng tiến sĩ phiên dịch tại trường Đại học Geneva (Thụy Sĩ). Bà Lee từng bày tỏ mong muốn viết một cuốn sách về phiên dịch và một cuốn hồi ký về những chuyến du lịch, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau của mình.
Em gái lãnh đạo Triều Tiên
Các thành viên nữ chiếm gần một nửa phái đoàn Triều Tiên trong cuộc gặp mặt thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore. Một số chuyên gia đánh giá sự có mặt của những người phụ nữ có thể là chiến lược của Triều Tiên nhằm gây ấn tượng với các lãnh đạo thế giới và thay đổi cách họ nhìn nhận Triều Tiên. Cân bằng giới trong chính trị đang là vấn đề ngày càng quan trọng mà Triều Tiên đang hướng tới.
Bà Kim Yo-jong được truyền thông nhắc tới nhiều hơn kể từ khi bà được bổ nhiệm làm Ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên hồi năm ngoái. Bà cũng là Phó trưởng ban Ban tuyên truyền của đảng Lao động Triều Tiên. Các chuyên gia đánh giá bà Kim Yo-jong hiện nằm trong số "tốp" 20 quan chức được tin tưởng nhất của ông Kim Jong Un, và bà được xem là "người gác cổng" cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. Bà còn được đánh giá là người quyền lực thứ hai Triều Tiên, chỉ sau anh trai mình.
Bà được cho là người phụ trách xây dựng hình ảnh cho anh trai và được tin cậy tuyệt đối. Bà là là một trong những cố vấn thân cận nhất và được ông Kim Jong-un tin tưởng hết mực. Chính vì vậy, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và em gái Kim Yo-jong đến Singapore bằng 2 máy bay riêng biệt để đề phòng bất trắc có thể xảy ra.
Bà đưa bút cho anh trai khi ông viết vào sổ lưu niệm ở Nhà Hòa bình tại Bàn Môn Điếm, rồi tham gia cuộc đàm phán với phía Hàn Quốc trong vai trò người ghi chép. Bà ngồi bên tay trái của lãnh đạo Triều Tiên khi hội nghị diễn ra. Sự có mặt của bà cho thấy vai trò quan trọng của mình trong các mối quan hệ liên Triều trong tương lai, việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Vào thời khắc tuyên bố chung Mỹ - Triều được ký kết, ông Kim nhận cây bút từ em gái mình. Nhiều người cho rằng có thể bà Kim Yo-jong lo ngại về an ninh của anh trai do nghi ngờ các cây bút có thể là vũ khí ám sát hoặc được sử dụng nhằm thu thập dấu vân tay và DNA của ông Kim.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Cho Son-hui
Đóng vai trò là Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son Hui là một trong rất ít các phụ nữ giữ vị trí cao trong bộ máy chính quyền Triều Tiên. Là con gái cựu Thủ tướng Triều Tiên Choe Yong Rim, bà Choe là nhà ngoại giao kỳ cựu có mặt tại các cuộc đàm phán quốc tế, trong đó có những cuộc đàm phán sáu bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) về giải trừ vũ khí hạt nhân được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2008.là nhà ngoại giao nữ cấp cao nhất ở Triều Tiên.
Các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình chỉ từ tháng 2/2012. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà Choe vẫn tiếp tục trao đổi quan điểm với các cựu quan chức Chính phủ Mỹ tại các hội nghị quốc tế. Bà Choe được cho là đã liên hệ với đặc phái viên Mỹ Joseph Yun tại Na Uy vào tháng 5/2017 để trao đổi về trao trả tự do cho sinh viên Mỹ từng bị Triều Tiên bắt giữ ở Bình Nhưỡng.
Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cho biết Choe là người phụ nữ giữ chức vụ cấp cao nhất trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên hiện nay. Các chuyên gia về đối ngoại kỳ vọng việc thăng chức của bà Choe có thể liên quan tới sự chuẩn bị của Triều Tiên cho các cuộc đối thoại trực tiếp với Mỹ. Hôm 11/6, bà gặp nhà ngoại giao cấp cao Mỹ Sung Kim tại khách sạn Ritz-Carlton để chuẩn bị những bước cuối cùng cho kỳ thượng đỉnh.
Bà Kim Sung Hae
Bà Kim hiện là giám đốc phụ trách bộ phận tại Ban Mặt trận Thống nhất của Triều Tiên, một tổ chức trực thuộc Đảng Lao động Triều Tiên chịu trách nhiệm về mối quan hệ liên Triều. Bà cũng đã tham dự cuộc họp mặt tại khách sạn Ritz-Carlton ngày 11/6.
Còn Hyon Song Wol là người đứng đầu ban nhạc nữ Moranbong nổi tiếng của Triều Tiên. Các thành viên trong nhóm nhạc được đích thân Kim Jong-un lựa chọn. Cô đã dẫn đầu một đoàn nghệ thuật lớn của Triều Tiên đến Hàn Quốc hồi tháng hai. Bà Hyon từng dẫn đầu đoàn văn nghệ được gửi tới Hàn Quốc trong Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang hồi tháng 2 vừa qua và gặt hái được nhiều thành tựu ngoại giao tích cực.