5 thói quen phổ biến của cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự thành công của con

Phương Uyên
03/09/2022 - 13:37
5 thói quen phổ biến của cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự thành công của con
Cha mẹ có 5 thói quen sai lầm như dưới đây chẳng khác nào đang "hại con", các bậc phụ huynh hãy lưu ý!

Mỗi đứa trẻ được sinh ra giống như những tờ giấy trắng.Tờ giấy trắng ấy trở thành một bức tranh đẹp, hay trở nên nhàu bẩn, rách nát, đều phụ thuộc vào những nét vẽ đầu tiên của cha mẹ. Điều này cho thấy, trong quá trình phát triển của con cái, cách giáo dục và dạy dỗ của cha mẹ có sự ảnh hưởng vô cùng quan trọng.

Những mối quan hệ xung quanh, gia đình và cách giáo dục của cha mẹ trong giai đoạn những năm đầu đời sẽ để lại ấn tượng đầu tiên với trẻ, có thể ảnh hưởng lớn rất lớn trong việc phát triển nhân cách của chúng khi trưởng thành.

Cha mẹ nào chẳng yêu thương, muốn dành điều tốt nhất cho con mình. Đôi khi yêu thương con một cách mù quáng lại trở nên phản tác dụng: con có thể hình thành những thói quen xấu khi lớn lên. Sau đây là 5 thói quen sai lầm phổ biến của cha mẹ, tưởng chừng như vô cùng bình thường nhưng lại có thể “gây hại” cho con:

    Cha mẹ quan tâm thái quá, con giảm sút khả năng tập trung

Nhiều phụ huynh có con học mẫu giáo, tiểu học thường phiền lòng, bởi con thiếu tập trung, thường xuyên lo ra khi ngồi học trong lớp. Điều khiến các bậc cha mẹ lo lắng chính là, tình trạng trẻ thiếu tập trung trong học tập lại đem đến nhiều rắc rối cho thầy cô và cha mẹ, thậm chí có thể khiến kết quả học tập giảm sút.

5 thói quen phổ biến của cha mẹ âm thầm “giết chết” sự thành công của con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thực tế, điều mà các bậc cha mẹ không biết: chính họ mới là nguyên nhân “phá hủy” sự tập trung của trẻ.

Có nhiều cha mẹ khi thấy con chưa tìm ra đáp án của bài tập, liền ân cần giúp đỡ con tìm ra lời giải, hay cha mẹ thấy con làm một việc mãi không hoàn thành, liền “xót ruột” nhúng tay vào. Cha mẹ nghĩ rằng việc này có thể giúp bé tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn, nhưng kết quả lại hoàn toàn khác.

Sự quan tâm, can thiệp thái quá của cha mẹ vào những lúc con đang tập trung tìm cách giải quyết vấn đề, có thể làm gián đoạn suy nghĩ, tư duy, óc suy luận của đứa trẻ đang đắm chìm trong thế giới riêng của mình. Nhiều lần như thế, đứa trẻ sẽ mất đi sự kiên trì, hứng thú và tò mò với các câu hỏi. Chúng cũng dễ nản lòng khi gặp những vấn đề khó khăn khác.

Khi trẻ đang quan sát và tìm cách giải quyết vấn đề, đó là cơ hội quan trọng để trau dồi khả năng tập trung của trẻ.

    Cha mẹ đáp ứng quá đầy đủ, con không biết trân trọng

Cuộc sống không ngừng thay đổi và điều kiện vật chất cũng đủ đầy hơn, một đứa trẻ thời nay có tất cả mọi thứ và được đầu tư để phát triển tốt nhất. Cha mẹ nào cũng nỗ lực để cho con những điều tốt đẹp nhất, một cuộc sống đầy đủ nhất. Họ nghĩ rằng càng cho con cuộc sống đủ đầy thì con càng biết ơn và trân trọng mọi thứ, biết sẻ chia và bao dung với mọi người.

5 thói quen phổ biến của cha mẹ âm thầm “giết chết” sự thành công của con - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, kết quả lại không như thế. Khi con có một cuộc sống quá sung túc, chúng sẽ không hiểu được thế nào là sự thiếu thốn, khó khăn, không trân trọng những gì mình đang có. Chúng đã quen với sự sung sướng, thì một ngày nào đó, khi cha mẹ không còn khả năng đáp ứng, chúng sẽ không bằng lòng với cuộc sống, cảm thấy bứt rứt, mệt mỏi.

    Cha mẹ thường xuyên nói dối, con học thói nói dối

Con cái là tấm gương phản chiếu hành vi của cha mẹ. Một ngày nào đó, khi phát hiện con nói dối, cha mẹ đừng quá bất ngờ. Hãy tự hỏi, trước đây chúng ta đã đừng nói dối trước mặt con chưa?

Khi con không ngoan ngoãn, liệu cha mẹ có vô tình thốt ra những câu nói như: “Con ngoan, cuối tuần mẹ dắt con đi chơi nhé!”, “Con làm việc nhà tốt, mẹ thưởng cho con nhé!”,...Những lời nói tưởng chừng như thoáng qua, nhưng có thể để lại ấn tượng trong tâm trí trẻ.

Trong trường hợp này, cha mẹ đưa ra nhiều lời hứa khác nhau với con cái, dễ hứa nhưng không dễ thực hiện. Con luôn trong trạng thái mong đợi và thất vọng, nếu tâm lý này lặp đi lặp lại, đến một ngày chúng sẽ hiểu ra một sự thật: hóa ra tất cả lời cha mẹ nói chỉ là dối trá.

Như vậy, trẻ không chỉ mất lòng tin vào cha mẹ mà còn vô tình học thói nói dối. Trẻ em không tự biết nói dối, những gì chúng làm đều học theo hành động của cha mẹ, người thân.

    Cha mẹ hay so sánh, con cái thiếu tự tin

Câu nói “con nhà người ta” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh trong cuộc sống hiện đại. Cha mẹ luôn cảm thấy không hài lòng với con mình, hoặc có thể muốn con mỗi ngày trở thành một phiên bản tốt hơn. Tuy nhiên, khi so sánh với “con nhà người ta”, con bạn chỉ thấy tổn thương nhiều hơn mà thôi.

5 thói quen phổ biến của cha mẹ âm thầm “giết chết” sự thành công của con - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Trên thế giới này, mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc đáo, và đứa trẻ nào cũng có những ưu điểm và tài năng riêng.

Khi bạn lấy ưu điểm của con người khác để so sánh với những khuyết điểm của con mình, bạn đang đánh mất sự tự tin của con mình hết lần này đến lần khác.

Khi trẻ dần mất đi sự tự tin, trẻ cũng mất đi động lực, chí cầu tiến, không tự tin vào mọi việc, thậm chí còn hình thành thói đố kỵ, ghen ghét với bạn bè.

    Cha mẹ dễ nổi giận, con cái nóng tính

Những lời nói gay gắt, những biểu hiện hung dữ và tức giận, thậm chí cả những hành vi bạo lực của cha mẹ, đều có thể để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí con cái nếu chúng tận mắt chứng kiến.

Điều này vô tình truyền sang con cái và biết chúng thành những “cỗ máy” nóng giận, bởi chúng có thể bắt chước thái độ hung dữ và gay gắt của cha mẹ khi không hài lòng với một vấn đề nào đó.

Khi các bậc cha mẹ quan sát kỹ lưỡng hành vi của trẻ, họ sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện rằng trẻ có rất nhiều điểm tương tự giống họ. Bởi thế, để nuôi dạy con tốt, cha mẹ cần phải hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm